Tình hình kinh tế - xã
hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch
Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, tình hình thế giới
và khu vực diễn biến phức tạp, mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung; biên giới Ấn Độ
- Trung Quốc; căng thẳng địa chính trị
gia tăng giữa Mỹ và Iran; A-rập Xê-út và Liên
bang Nga về dầu thô; Triều Tiên - Trung Quốc…
kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, đã làm ảnh hưởng
không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng. Mặc dù vậy
thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư trung ương Đảng và chỉ đạo của
Chính phủ; Tỉnh ủy và UBND tỉnh vừa chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt các
giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa tiếp tục kiên định mục tiêu ổn
định kinh tế, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các
chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm như sau:
1. Tổng sản phẩm quốc nội (GRDP)
Dự ước 6 tháng đầu năm 2020 tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa
bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt
103.279,9 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 10.189,73 tỷ đồng, tăng
3,8% và đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Công nghiệp - xây dựng
đạt 62.195,74 tỷ đồng, tăng 8,66% và đóng góp 5,08 điểm phần trăm; Dịch vụ đạt
23.393,97 tỷ đồng, tăng 0,45% và đóng góp 0,11 điểm phần trăm; Thuế sản phẩm
đạt 7.500,43 tỷ đồng, tăng 3,16% và đóng góp 0,24 điểm phần trăm. Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước
(6 tháng đầu năm 2019 tăng 9,07%) và thấp hơn mục tiêu đề ra cả năm (Mục tiêu 8
– 9%). Nguyên nhân tăng thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid – 19; các lĩnh vực
sản xuất kinh doanh tăng trưởng thấp, đặc biệt là khu vực dịch vụ tăng trưởng
không đáng kể đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung. Tuy nhiên mức tăng 5,8% là
mức tăng trưởng cao so với các tỉnh trong khu vực và so với cả nước 6 tháng đầu năm. Kết quả này đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp
được Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa
phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đẩy mạnh
phát triển kinh tế - xã hội. Là tiền đề để từng bước khôi phục và phát triển
kinh tế của tỉnh trong những tháng cuối năm.
2. Sản xuất công nghiệp
- Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 5,12% so cùng kỳ. Trong đó: Ngành khai khoáng
tăng 5,02%; chế biến, chế tạo tăng 5,59%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi
nước, giảm 1,19%; cung cấp nước,
hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 6,2%. Trong các ngành công nghiệp cấp II các ngành có sự tăng, giảm như sau:
+ Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,69% do các doanh nghiệp
ngành chế biến thực phẩm, sản xuất chế biến thức ăn gia súc vẫn tiêu thụ sản
phẩm khá ổn định nên ít ảnh hưởng đến chỉ số sản xuất trong ngành này như: Công
ty Ajinomoto tăng 15,2%, Công Ty Cổ Phần Vina Cà Phê Biên Hòa tăng 18,27%,
ngoài ra các công ty chế biến thức ăn gia súc cũng có mức tăng đáng kể so cùng
kỳ;
+ Ngành dệt tăng 2,16%, đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng của dịch
Covid 19, tuy nhiên qua tháng 6 tình hình sản xuất kinh doanh của ngành này đã
khá hơn do có hợp đồng trở lại;
+ Ngành sản xuất trang phục tăng 2,75%, trong thời gian dịch bệnh nhiều
công ty sản xuất ngưng gián đoạn sản xuất cụ thể ở một số doanh nghiệp như:
Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Yupoong Việt Nam, Công Ty cổ phần NamYang mức giảm
từ 5- 22%;
+ Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,89% ngành
này vẫn giữ được tăng trưởng khá do các doanh nghiệp đã cho công nhân đi làm
trở lại sau dịch bệnh Covid-19, các thị trường Châu Âu, EU và Mỹ đóng băng nay
tái khởi động, một số công ty có mức tăng từ 5-12,5% so cùng kỳ như: công ty
Splendour Công Ty Cổ Phần Tae Kwang Vina Industrial…
+ Ngành sản xuất thiết bị điện tử giảm 4,69%, trong đó công ty
Olypus Việt Nam giảm 20,08%. Đây là ngành chịu sự ảnh hưởng nặng nhất của dịch
bệnh covid – 19, nhiều hợp đồng sản xuất kinh doanh phải hủy bỏ, nhiều doanh nghiệp
sản xuất khó khăn do thiếu nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu giảm
mạnh; Ngành sản xuất gường, tủ, bàn ghế giảm 10,52%. Nguyên nhân giảm mạnh do
thị trường xuất khẩu sản phẩm gặp nhiều khó khăn, các nhà nhập khẩu chủ yếu là
Mỹ và các nước EU ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra tồn kho không tiêu thụ
được, cụ thể như: Công ty TNHH Timber Inductries giảm 88,37%, Công ty TNHH
Thành Phú Phát giảm 45,13%, Công ty TNHH Hòa Bình giảm 51,88%, đặc biệt Công ty
Quốc tế Gia Mỹ giảm 80,17%...
Ngành sản xuất phân phối
điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 1,19% do lượng khí cấp bị sụt giảm nên
nhà máy điện Nhơn Trạch phải vận hành bằng nhiên liệu dầu DO, mặt khác do sự
điều phối của tập đoàn điện lực Việt Nam nên công suất phát điện giảm do đó chỉ
số sản xuất của ngành này 6 tháng giảm so cùng kỳ.
- Chỉ số sản phẩm
công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 các sản phẩm có chỉ
số tăng, giảm so cùng kỳ như: Cà phê các loại (+18,83%); Bột ngọt (+13,77%);
Quần áo các loại (+6,14%); Thuốc lá sợi (+8,48%); Sợi các loại (+3,1%); đá xây
dựng (+5,01%); nước uống (+3,86%). Các sản phẩm giảm như: thức ăn gia súc
(-1,91%); Vải các loại (-6,22%); máy giặt (-34,95%); gường, tủ, bàn ghế
(-9,38%); thuốc bảo vệ thực vật (-7,17%).v.v.
- Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 5,5% so
cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu
thụ 6 tháng tăng, giảm so cùng kỳ như: Ngành chế biến thực phẩm (+11,72%);
sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+7,75%); sản xuất
trang phục (+7,55); Dệt (+12,26%); sản
xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (+6,9%); sản xuất
da và các sản phẩm liên quan (+10,28%); sản xuất thuốc lá (+20,9%); sản xuất sản
phẩm cao su và plastic (+9,32%); sản xuất xe có động cơ (-31,82%); sản xuất sản phẩm điện tử (-15,82%); sản
xuất thiết bị điện (-3,09%)…
Nhìn
chung tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm chịu ảnh
hưởng do dịch bệnh Covid – 19 nên tăng trưởng thấp; đến nay hoạt động sản xuất
kinh doanh có chuyển biến tích cực, song sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp nhiều
khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 ở nhiều quốc gia chưa được khống chế đã ảnh
hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Trong 6
tháng/2020 có 16/27 ngành có chỉ số tăng; 11/27 ngành sản xuất giảm so cùng kỳ,
đặc biệt là ngành điện tử, sản xuất gường, tủ, bàn ghế; sản xuất phân phối điện
có mức giảm tương đối; một số ngành công nghiệp chủ lực tăng rất thấp như: dệt,
may mặc.v.v. Mặc dù chính phủ đã có sự hỗ trợ, điều hành tích cực nhằm tháo gỡ
khó khăn cho doanh nghiệp như giãn thuế, tiền thuê đất nhưng tình hình sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp hiện tại vẫn còn khó khăn, thị trường xuất khẩu của
Mỹ và Châu Âu chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
3. Hoạt động xây dựng
Dự
ước 6 tháng đầu năm 2020 giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn (theo giá thực
tế) đạt 20.304,25 tỷ đồng, tăng 7,48% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh nghiệp nhà
nước đạt 73,57 tỷ đồng, tăng 2,16%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 13.518,27
tỷ đồng, tăng 8,12%; doanh nghiệp có vốn ĐTNN đạt 1.627,8 tỷ đồng, tăng 9,67%; Loại
hình khác đạt 5.084,62 tỷ đồng, tăng 5,25%. Giá trị sản xuất phân theo loại
công trình: Công trình nhà ở đạt 6.470,74 tỷ đồng, tăng 9,45%; Công trình nhà
không để ở đạt 6.139,74 tỷ đồng, tăng 8,06%; Công trình kỹ thuật dân dụng đạt
4.147 tỷ đồng, tăng 10,46%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 3.546,68 tỷ
đồng, tăng 0,13% so cùng kỳ.
Một số đơn vị xây dựng có mức tăng so cùng kỳ như: Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Cao Su Đồng Nai tăng
8,36%; Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Phúc Trung
tăng 8,07%; Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Chig
Feng tăng 8,76%; Công Ty Trách Nhiệm Hữu
Hạn Xây Dựng Song Hui tăng 8,16%; Công Ty
Cơ Khí Và Xây Dựng Posco E&c Việt Nam tăng 7,83%; Công Ty Trách
Nhiệm Hữu Hạn Kobelco Eco-solutions Việt Nam tăng 8,39%; Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Vinafilter Technology tăng
9,07%.v.v.
4. Sản xuất
Nông - Lâm nghiệp và thủy sản
Dự ước giá
trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá SS
2010) 6 tháng năm 2020 đạt
21.162,8 tỷ đồng, tăng 3,07% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp
đạt 18.839 tỷ đồng, tăng 3,03% (trồng
trọt tăng 0,6%; chăn nuôi tăng 4,48%; dịch vụ tăng 0,29%). Giá trị sản xuất
lâm nghiệp đạt 1.157,3 tỷ đồng, tăng 2,24%; Giá trị sản xuất thủy sản đạt
1.166,5 tỷ đồng, tăng 4,58% so cùng kỳ.
a. Nông nghiệp:
Cây hàng năm
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tính
đến ngày 15/6/2020 đạt 98.742,19 ha, giảm 925,64 ha
(-0,93%) so cùng kỳ, diện tích cây hàng năm giảm là do diện tích vụ Đông xuân
giảm mạnh (giảm 6,77%) vì thiếu nước nên các hộ dân không chủ động được khâu
làm đất, diện tích giảm chủ yếu ở cây lúa, bắp, cây củ có bột, mía... Tuy nhiên
bước sang vụ Hè thu thời tiết thuận lợi hơn vì trong tháng lượng mưa tương đối
đều và đủ nên diện tích gieo trồng tăng so cùng kỳ, tính đến 15/6/2020 toàn
tỉnh đã gieo trồng được 58.381 ha, tăng 3,55%. Trong đó: nhóm cây lương thực đạt 36.032 ha (+3,02%);
nhóm cây củ có bột đạt 9.982 ha (+3,19%); nhóm cây thực phẩm đạt 5.958 ha (+5,66%);
nhóm cây công nhiệp hàng năm đạt 4.230 ha (+7,01%); nhóm cây hàng năm khác đạt
2.179 ha (+1,96%) so cùng kỳ.
- Ước năng suất: Trên cơ sở diện tích gieo trồng và thu thập thông tin về tình hình
sinh trưởng của cây trồng tại một số cánh đồng lớn; Dự ước năng suất một số loại cây trồng vụ Đông
Xuân như sau: Lúa 64,04 tạ/ha (+0,93%); bắp 86,32 tạ/ha (+5,15%); khoai lang 110,02 tạ/ha (+3,25%); sắn
264,01 tạ/ha (+1,16%); rau các
loại 155,96 tạ/ha (+10,98%); đậu các loại 13,54 tạ/ha (+8,62%) so cùng kỳ.
- Ước sản lượng: Dự ước sản lượng thu hoạch cây trồng hàng năm vụ Đông Xuân năm 2020
tăng, giảm so cùng kỳ như sau: Cây lúa
đạt 102.214 tấn, giảm 1.096 tấn (-1,06%); bắp đạt 83.141 tấn, tăng 3.239 tấn (+4,05%); khoai lang đạt 1.482 tấn, giảm 1.062
tấn (-41,74%); mía đạt 19.973
tấn, giảm 96.830 tấn (-82,9%); đậu tương đạt
314 tấn, tăng 7 tấn (+2,25%); đậu phộng đạt
1.115 tấn, giảm 60 tấn (-5,12%); rau các loại đạt 83.133 tấn, tăng 6.035 tấn (+7,83%); đậu các đạt 1.734 tấn,
tăng 109 tấn (+6,69%) so với cùng kỳ.
Cây lâu năm
Tổng diện tích hiện có 6 tháng đầu
năm 2020 là 169.884,89 ha, giảm 0,15%, tức là giảm 253,72 ha so cùng kỳ. Trong
đó diện tích cây ăn quả đạt 63.722,27 ha, tăng 5,79% (+3.488,08 ha), cây công
nghiệp lâu năm là 106.162,62 ha, giảm 3,4% (-3.741,8 ha) so cùng kỳ;
Dự ước sản lượng thu hoạch một số loại cây trồng chính
trong 6 tháng đầu năm 2020 như sau: Xoài 52.270 tấn, tăng 7,46%; Chuối đạt 65.130
tấn, tăng 12,56%; Thanh long đạt 3.879 tấn, tăng 2,02%; Cam 4.196 tấn, tăng
1,8%; Bưởi 22.717 tấn, tăng 20,22%; Chôm chôm 101.650 tấn, giảm 0,42%; Điều đạt 41.800,86 tấn, tăng 0,11%; Hồ tiêu đạt 30.606,28 tấn,
giảm 0,94%; Cao su đạt 12.982,46 tấn, tăng 3,2%.
Chăn nuôi
- Số lượng đàn: Tổng đàn gia súc
hiện có là 2.084.485
con, giảm 448.837 con (-17,72%) so cùng kỳ. Trong đó trâu đạt 3.299 con tăng
0,95%, bò đạt 80.878 con tăng 0,16%; heo đạt 2.000.308 con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 18,33% tương đương giảm
448.996 con. Nguyên nhân tổng đàn heo giảm là do ảnh hưởng của Dịch tả heo Châu
Phi nên số con giảm mạnh từ cuối năm 2019, một số doanh nghiệp sau khi xuất bán
hết không nuôi trở lại, tính đến nay có 407 cơ sở đã tái đàn trở lại với
277.099 con, đạt 59,08% kế hoạch đề ra.
Tổng đàn gia cầm có đến thời điểm tháng
6/2020 là 24.707,63 ngàn con, tăng 3,37% so cùng kỳ. Trong đó gà đạt 22.522,33
ngàn con, giảm 0,16% và chiếm 91,16% tổng đàn gia cầm.
- Sản lượng sản phẩm: Dự ước sản lượng sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm
toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 như sau: Sản lượng thịt trâu dự ước 115,74 tấn,
tăng 4,73%; thịt bò dự ước 2.151,95 tấn, tăng 4,39%; thịt heo 207.551,21 tấn, tăng 0,11%; thịt
gia cầm 83.798,97 tấn, tăng 6,11% so cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm đạt 595.553,7 ngàn
quả, tăng 4,28% so cùng kỳ.
b. Lâm nghiệp
- Công tác trồng và
chăm sóc, nuôi dưỡng rừng: Ước diện tích rừng trồng mới 6
tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.731,12 ha, tăng 2,3% so cùng kỳ. Diện tích rừng
được chăm sóc ước đạt 6.312,12 ha, tăng 2,44% so cùng kỳ, trong đó: Chăm sóc
rừng sản xuất đạt: 5.149,31 ha tăng 2,31%; rừng phòng hộ đạt 460,95 ha, tăng
1,12%; rừng đặc dụng đạt 119,18 ha tăng 2,12%.
- Khai thác gỗ và lâm sản: Sản lượng gỗ khai
thác 6 tháng ước
đạt được 120.401 m3, tăng 6,48% (+7.324,72 m3) so với
cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác 6 tháng ước đạt 1.180,07
ste, tăng 1,83% (+21,22 ster) so với cùng kỳ.
c. Thủy sản
Dự ước tổng
sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt 32.990,27 tấn, tăng 4,74% so cùng
kỳ. Trong đó: cá đạt 28.807,95 tấn, tăng 5,11%; tôm đạt 3.433,38 tấn, tăng
2,59%; thuỷ sản khác đạt 748,94 tấn, tăng 0,94% so cùng kỳ.
6. Thương mại, dịch vụ:
Hoạt động thương mại, dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng
lớn của dịch Covid – 1. Đặc biệt là tháng 3 và tháng 4 do thực hiện cách ly xã
hội để phòng chống dịch nên các hoạt động dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, du
lịch, vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường… tạm ngưng hoạt động. Hoạt động
thương mại cũng giảm sút nhiều, do đó dự ước 6 tháng đầu năm 2020 doanh thu bán
lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng rất thấp so cùng kỳ.
* Dự ước tổng mức bán lẻ hàng
hoá và dịch vụ 6 tháng/2020 đạt
90.127,73 tỷ đồng, tăng 3,76% so cùng kỳ và đạt 46,67% so kế hoạch năm. Trong
đó:
+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 71.274,56 tỷ đồng, tăng 8,38%
so cùng kỳ. Một số nhóm có tăng trưởng cao so sùng kỳ là: Lương thực, thực phẩm
tăng 10,45%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,72%; Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi)
tăng 12,74%; Phương tiện đi lại tăng 9,37%; Vàng, bạc, đá quý, kim loại quý tăng 13,1%; Xăng dầu các loại
tăng 5,9%; Hàng may mặc tăng 5,38%; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình
tăng 4,61% so cùng kỳ…
+ Doanh thu lưu trú, ăn uống,
du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2020, dự ước
đạt 7.127,96 tỷ đồng, giảm 12,46% so cùng kỳ. Cụ thể:
Doanh thu dịch vụ lưu trú dự ước
đạt 109,66 tỷ đồng, giảm 32,41% so cùng kỳ; Lượt khách phục vụ ước đạt
1.070.816 lượt khách, giảm 35,91%; Ngày khách phục vụ ước đạt 729.461 ngày,
giảm 41,3%.
Dịch vụ ăn uống
dự ước đạt 6.995,17 tỷ đồng, giảm 11,79% so với cùng kỳ.
Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch dự ước đạt 23,14 tỷ
đồng, giảm 53,82% so cùng kỳ; Lượt khách du lịch theo tour 34.653 lượt, giảm
58,44%; Ngày khách du lịch theo tour 76.184 ngày, giảm 57,71%.
+ Doanh thu dịch vụ khác dự ước 6 tháng
đạt 11.725,2
tỷ đồng, giảm 9,47% so cùng kỳ. Cụ thể
ở một số ngành: Kinh doanh bất
động sản giảm 12,36%; Dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 2,43%; Giáo dục và đào tạo
giảm 21,2%; Nghệ thuật, vui chơi giải trí
giảm 16,99%...
7. Giá cả thị
trường
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2020 tăng 0,64%
so tháng trước; so với tháng 6
năm 2019 tăng 3,21%; so tháng 12 năm trước tăng 0,2%; chỉ số giá bình quân 6
tháng năm 2020 tăng 4,01% so cùng kỳ. Tình hình giá cả các loại hàng hóa tăng, giảm ở một số nhóm ngành như
sau:
-
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Chỉ số giá nhóm này so tháng trước tăng 0,29%;
tăng 12,49% so cùng tháng năm trước; tăng
6,93% so tháng 12 năm trước và tăng 10,87% so bình quân cùng kỳ. Trong đó: Nhóm hàng lương thực so tháng trước tăng
0,11%; so cùng tháng năm trước tăng 5,91% và bình quân cùng kỳ tăng 3,32%. Nhóm hàng thực phẩm tăng 0,45% so tháng trước; so
cùng tháng năm trước tăng 15,25%; so tháng 12 năm trước tăng 7,16% và so bình
quân cùng kỳ tăng 12,98%.
- Nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD: Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,15%
so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,2%, so tháng 12 năm trước giảm
1,43% và so bình quân cùng kỳ tăng 1,98%.
- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình: Chỉ số giá nhóm này tăng 0,16% so tháng trước, tăng 0,21% so cùng tháng năm trước và
tăng 0,4% bình quân cùng kỳ.
- Nhóm giao thông: Chỉ số giá nhóm này
tăng 6,36% so tháng trước; so cùng tháng năm trước giảm 18,66%; so tháng 12 năm
trước giảm 17,98% và bình
quân cùng kỳ giảm 10,19%. Trong tháng giá các mặt hàng xăng, dầu điều chỉnh
tăng do giá xăng dầu giá thế giới tăng. Cụ thể: Xăng A95 từ
12.078 đồng/lít tăng lên 13.796 đồng/lít (tăng 14,22%); Xăng E5 từ 11.277 đồng/lít tăng lên 12.994
đồng/lít (tăng 15,22%); Dầu diezen từ 9.888 đồng/lít tăng lên 11.202 đồng/lít
(tăng 13,29%).
- Nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch: Chỉ số giá nhóm này giảm
0,09% so tháng trước; giảm 1,22% so cùng tháng năm trước; giảm 1,35% so tháng
12 năm trước; bình quân cùng kỳ giảm 0,26%.
- Các nhóm còn lại có chỉ số giá ổn định, tăng giảm không nhiều.
* Giá vàng: Giá vàng trong tháng tiếp tục biến động, giá vàng tăng 1,56% so
tháng trước; so cùng tháng năm trước tăng 30,23%; so tháng 12 năm trước tăng
18,18% và bình quân cùng kỳ tăng 24,72%.
* Giá Đô la Mỹ: Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này giảm 0,39% so tháng trước; so cùng
tháng năm trước tăng 0,67%; so tháng 12 năm trước tăng 1,09% và so bình quân
cùng kỳ tăng 0,57%.
8. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu 2
tháng vừa qua (tháng 5, tháng 6 năm 2020) có phần khởi sắc hơn do thị trường
xuất khẩu có dấu hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên do diễn biến của đại dịch Covid-19 kéo dài và lan
rộng hầu hết các quốc gia trên thế giới, hầu hết các nước như Trung Quốc, Hàn
Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU... đều thực hiện
các biện pháp giãn cách, cách ly, phong tỏa dẫn tới các nhà máy có giao thương
với doanh nghiệp tại Việt Nam đều ngừng hoạt động và đóng cửa dẫn đến các hoạt
động liên quan tới các cơ quan, tổ chức ở nước ngoài đều ngưng và đình trệ. Do
đó kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn có nguồn hàng hóa
xuất nhập khẩu với các quốc gia và vùng lãnh thổ này đều giảm mạnh. Đặc biệt là
các ngành may mặc, giày da, gỗ,...dẫn đến số thu thuế xuất nhập khẩu năm 2020
giảm mạnh so cùng kỳ. Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa 6
tháng đầu năm 2020 như sau:
- Ước kim
ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 8.874,30 triệu USD, giảm 4,59% so cùng kỳ, trong đó: Kinh tế
nhà nước đạt 220,23 triệu USD, giảm 11,4%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.690,42
triệu USD, giảm 6,99%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.963,65 triệu USD,
giảm 3,75% so cùng kỳ.
Một số ngành hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 tăng, giảm so cùng
kỳ như sau: Hạt điều ước đạt 134,83 triệu USD (-7,91%); Cà phê ước đạt 259,02
triệu USD (+25%); Hạt tiêu ước đạt 23,87 triệu USD (+27,02%); Cao su ước đạt
20,33 triệu USD (-21,21%); Sản phẩm gỗ đạt 636,58 triệu USD (-6,45%); Hàng dệt
may đạt 797,36 triệu USD (-16,55%); Giày dép các loại ước đạt 2.140,37 triệu
USD (+6,08%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử đạt 318,77 triệu USD (+8,67%); Máy
móc thiết bị ước đạt 853,26 triệu USD (+8,14%); Phương tiện vận tải và phụ tùng
đạt 370,55 triệu USD (-16,78%); Xơ, sợi dệt đạt 508,54 triệu USD (-30,45%); Sản
phẩm từ chất dẻo ước đạt 166,91 triệu USD (-5,12%); Sản phẩm sắt thép đạt
263,91 triệu USD (-26,99%) so cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền
thống 6 tháng/2020 như: Hoa Kỳ: ước đạt 2.405,4 triệu USD, giảm 6,2% so cùng kỳ
và chiếm 29,6% kim ngạch xuất khẩu; Nhật Bản: 986,5 triệu USD, giảm 0,3% và
chiếm 12,1%; Trung Quốc: 961,7 triệu USD, giảm 2,63% và chiếm 11,8%; Hàn Quốc:
510,8 triệu USD, giảm 0,65% và chiếm 6,3%; Đức: 275,3 triệu USD, tăng 7,4%,
chiếm 3,4%; Đài Loan: 173,2 triệu USD, giảm 7,66%, chiếm 2,1%… Các thị trường
khác cũng có kim ngạch xuất khẩu khá cao như Hong Kong, Bỉ, Úc, Thái Lan.
- Kim ngạch nhập
khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 6.937,13 triệu USD,
giảm 11,07% so cùng kỳ. Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm gần đây, chủ
yếu do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên các thị trường cung cấp nguyên liệu
giảm mạnh làm cho kim ngạch nhập khẩu giảm. Cụ thể, một số mặt hàng biến động
so cùng kỳ như sau: Thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 394,79 triệu USD
(+6,84%); Chất dẻo nguyên liệu ước đạt 635,95 triệu USD (-13,07%); Vải các loại
383,8 triệu USD (-16,26%); Nguyên phụ liệu dệt, may ước đạt 374,31 triệu USD
(-6,54%); Bông ước đạt 329,5 triệu USD (-9,44%); Xơ, dệt sợi ước đạt 178,4
triệu USD (-24,95%); Sắt thép các loại ước đạt 460,97 triệu USD (-25,53%); Máy
móc thiết bị ước đạt 796,62 triệu USD (-7,48%)…
Thị trường nhập khẩu chủ lực trong 6 tháng/2020 là: Trung Quốc: ước
đạt 1.507,4 triệu USD, chiếm 22,8% và giảm 4,49%; Hàn Quốc: ước đạt 1.020,2
triệu USD, chiếm 15,4%, giảm 19,92%; Đài Loan ước đạt 770,1 triệu USD, chiếm
11,6%, tăng 4,03%; Nhật Bản ước đạt 618,4 triệu USD, chiếm 9,3%, giảm 17,03%;
Hoa kỳ ước đạt 628,5 triệu USD, chiếm 9,5%, giảm 25,6% so cùng kỳ. Các thị
trường khác có kim ngạch nhập khẩu khá cao như: Thái Lan, Brazil, Indonesia…
chiếm tỷ trọng từ 1,8% đến 6,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
9. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải,
kho bãi 6 tháng đầu năm 2020: Dự ước doanh thu đạt 8.298,54 tỷ
đồng, giảm 5,33% so cùng kỳ. Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên một số đơn vị của ngành
vận tải hành khách và hàng hóa tạm ngưng hoạt động từ tháng 2 đến đầu tháng 5
mới hoạt động trở lại. Làm cho doanh thu và sản lượng của 6 tháng đầu năm 2020
giảm so cùng kỳ. Trong đó:
Vận tải hành khách dự ước doanh thu đạt 997,72
tỷ đồng, giảm 13,48%; Khối lượng vận chuyển ước đạt 28.378 nghìn HK, giảm
15,02%; khối lượng luân chuyển ước đạt 1.268.934 nghìn HK.km, giảm 18,23% so cùng kỳ. Trong đó: Đường bộ đạt 27.810 ngàn hành khách vận
chuyển, giảm 15,1% và 1.268.600 ngàn hành khách.km luân chuyển, giảm
18,23%; đường sông đạt 569 ngàn hành khách vận
chuyển, giảm 10,69% và 334,2 ngàn hành khách.km luân chuyển, giảm 12,21%.
Vận tải hàng hóa ước doanh thu 6 tháng/2020
đạt 4.678,59 tỷ đồng, giảm 3,18% so cùng kỳ. Ước sản
lượng vận tải hàng hóa đạt 29.569 nghìn tấn vận chuyển và 2.148.229 nghìn tấn -
km luân chuyển, so cùng kỳ giảm 5,14% về vận chuyển và 5,71% về luân chuyển. Trong
đó: Đường bộ đạt 28.847 ngàn tấn vận chuyển, giảm 5,15% và 2.026.311 ngàn
tấn.km luân chuyển, giảm 5,79%; đường sông đạt 722 ngàn tấn vận chuyển, giảm
4,68% và 121.918 ngàn tấn.km luân chuyển, giảm 4,48%.
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận
tải 6 tháng/2020 ước đạt 2.622,23 tỷ đồng, giảm 5,69% so cùng kỳ.
10. Thu hút đầu tư
Tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn Đầu
tư trực tiếp ngoài (FDI) 6 tháng (tính đến ngày 15/6/2020) ước đạt 648,8 triệu
USD, bằng 63,2% so với cùng kỳ (6 tháng năm 2019 đạt 1.026 triệu USD). Trong đó
cấp mới mới 40 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 161 triệu USD, bằng 31,3%; 54 dự
án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 487,8 triệu USD. Dự kiến vốn giải ngân 6 tháng
đạt 570 triệu USD (tương đương khoảng 13.275,3 tỷ đồng)...
Tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh
tăng vốn là 20.287,7 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 đạt 7.350,9 tỷ đồng).
Tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn từ đầu
năm đến ngày 15/6/2020 là 18.991 tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ (năm
2019 là 23.864 tỷ đồng). Trong đó: Có 1.642 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
với số vốn đăng ký là 15.049 tỷ đồng, bằng 80% so cùng kỳ.
10. Giáo dục
* Công tác
chuẩn bị điều kiện cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020
Kỳ thi tốt
nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong 2 ngày (ngày 9 và 10/8). Sở GD-ĐT sẽ là đơn
vị có vai trò chính trong việc tổ chức kỳ thi. Dự kiến, Sở GD-ĐT sẽ huy động
khoảng 3 ngàn cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi, coi thi. Mỗi hội đồng thi
sẽ có ít nhất 3 thanh tra của Bộ GD-ĐT điều động về làm công tác kiểm tra,
thanh tra giám sát thi. Ngoài thanh tra của Bộ GD-ĐT còn có sự tham gia của lực
lượng thanh tra tỉnh tại các điểm thi trong suốt 2 ngày tổ chức thi.
* Đối
với học sinh khối 10, theo Sở
GD-ĐT lịch thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 diễn ra trong 2 ngày (22 và
23/7). Dự kiến, ngày 5/8/2020, Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi làm cơ sở cho
các trường tuyển sinh. Năm học 2020-2021, Sở cho phép 22 trường tổ chức thi,
trong đó Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh tuyển sinh toàn tỉnh. Những trường
không thi tuyển sẽ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.
11. Y tế
* Dịch bệnh
COVID-19: Hiện nay tình hình dịch bệnh
viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) gây ra vẫn đang
diễn biến rất phức tạp ở nhiều quốc gia. Tính đến ngày 22/6/2020, ở Việt Nam đã
ghi nhận 349 người nhiễm, trong đó 327 người đã điều trị khỏi, xuất viện (chưa
ghi nhận trường hợp mắc bệnh tử vong). Trên địa bàn tỉnh tính đến 22/6/2020,
ghi nhận 01 trường hợp (BN247) mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của
vi rút Corona (COVID-19) được điều trị khỏi, hoàn thành thời gian cách ly 14
ngày tại Bệnh viện Phổi, đã trở về địa phương (dịch cấp độ 1); 343 trường hợp
nghi ngờ, có yếu tố tiếp xúc dịch bệnh được cách ly theo dõi tại các khu cách
ly tập trung.
12. Đào tạo nghề: 6 tháng đầu năm 2020 các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp tuyển mới, đào tạo cho 34.274 người, đạt 44,22% kế hoạch năm. Trong
đó: Cao đẳng: 1.085 người, Trung cấp: 1.413 người, sơ cấp và đào tạo thường
xuyên là 31.776 người (Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 1.013 người);
có 27.343 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, đạt 40,21% kế hoạch năm.
13. Giải quyết việc làm: 6 tháng giải quyết việc làm cho
30.922 lượt người, đạt 38,65% kế hoạch, giảm 20,19% so cùng kỳ. Trong đó: doanh nghiệp tuyển dụng
21.304 lượt lao động; Chương trình cho vay hộ nghèo để giải quyết việc làm:
1.350 người; Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 505 người; Cho
vay vốn giải quyết việc làm: 4.025 lao động; đưa người lao động Việt Nam đi làm
việc ở nước ngoài: 109 lao động; các chương trình khác 3.629 lượt người.
Tiếp nhận 33.063 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp,
ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 25.622 người, với số tiền
575.497 triệu đồng; tư vấn và giới thiệu việc làm cho 33.896 lượt người, hỗ trợ
học nghề cho 750 người.
14. Công tác giảm nghèo: Tính đến tháng hết 5 năm 2020, tổng
số hộ vay là 1.680 hộ. Trong đó số hộ nghèo vay 303 hộ với số tiền 11.563 triệu
đồng; hộ cận nghèo vay 958 hộ với số tiền 38.584 triệu đồng và hộ thoát nghèo
vay 419 hộ với số tiền 16.758 triệu đồng.
B. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh
Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch
Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, tình
hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, mâu thuẫn thương mại
Mỹ - Trung; biên giới Ấn Độ - Trung Quốc; căng
thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran; A-rập
Xê-út và Liên bang Nga về dầu thô; Triều Tiên -
Trung Quốc… kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng
nghiêm trọng, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung
và Đồng Nai nói riêng. Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt
của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành nên kinh tế Đồng
Nai 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức tăng trưởng 5,8%, đây là mức tăng thấp nhất
trong nhiều năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay với mức tăng trưởng đạt như
trên là khá cao với khu vực Đông Nam Bộ và so với cả nước (6 tháng đầu năm
2020: TP. Hồ Chí Minh tăng 1,02%; Bình Dương tăng 6,8%; Bình Phước tăng 5,31%;
Tiền Giang giảm 0,83%; Bà rịa Vũng tàu giảm 7%...). Khu vực nông, lâm nghiệp và
thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và dịch bệnh
nhưng duy trì được mức tăng trưởng tương đương năm trước 3,8%. Công nghiệp –
xây dựng tăng 8,66%, tuy mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm
trước (6 tháng 2019 tăng 12,4%) nhưng vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ lực (chiếm
64,25% toàn nền kinh tế của tỉnh), là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6
tháng cuối năm 2020. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu
gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, nhiều ngành dịch
vụ phải ngưng hoạt động một thời gian; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so cùng kỳ; giải ngân vốn
đầu tư công chưa cao; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất
là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy
cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.v.v.
Tuy nhiên thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng
Chính phủ về xác lập trạng thái bình thường trong xã hội, đẩy mạnh khôi phục và
phát triển kinh tế cùng với phòng chống dịch hiệu quả, với sự chỉ đạo điều hành
quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành và
cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm hy vọng sẽ
có bước khởi sắc hơn, phấn đấu thực hiện đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh
vực kinh tế xã hội.
CỤC THỐNG KÊ TỈNH ĐỒNG NAI