Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 5 năm 2023

 1. Sản xuất công nghiệp

Tháng 5, 5 tháng đầu năm2023 Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: tình hình chính trị trên thế giới, lạm phát, giá cả vật tư hàng hóa, nhiên liệu, vật liệu vẫn ở mức cao… từ đó đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có đông công nhân, chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 giảm 9,17% so cùng kỳ, đây là mức giảm lớn nhất so các năm gần đây chỉ sau năm dịch Covid-19 năm 2021; giá điện tăng từ ngày 4/5/2023 (tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành) tạo thêm áp lực về chi phí cho các doanh nghiệp, do vậy dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm có mức tăng rất thấp so với cùng kỳ.

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2023 tăng 2,2% so thángtrước, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước, nguyên nhân tháng 5 tăng so tháng 4 do tháng 5 một số doanh nghiệp quy mô lớn đã có thêm hợp đồng sản xuất như: ngành giày da, dệt may… đây là những ngành có quy mô sản xuất lớn nên góp phần làm cho chỉ số sản xuất toàn ngành tăng. Dự ước tháng 5 so với tháng 4 có 25/27 ngành sản xuất chỉ số tăng nhưng mức tăng thấp.

 Dự ước 5 tháng năm 2023 chỉ số sản xuất tăng 2,47% so cùng kỳ. Hoạt động sản xuất công nghiệp 5 tháng năm 2023 có 22/27 ngành sản xuất tăng nhưng mức tăng thấp, có 5/27 ngành sản xuất giảm,nguyên nhân giảm là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về đơn hàng sản xuất thiếu, giá cả nguyên liệu chi phí đầu vào tăng cao. Ngành chế biến, chế tạo tăng 2,77%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,21%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,07%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,55%. Đây là mức tăng thấp nhất của 5 tháng đầu năm trong hơn 10 năm qua trong ngành công nghiệp Đồng Nai.

Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm tăng so cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm tăng 5,04%, Dệt tăng 2,16%; May mặc tăng 4,24%; Sản xuất hóa chất tăng 3,17%v.v… một số ngành sản xuất khác như: Sản xuất đồ uống tăng 3,94%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,7%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,8%; Sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 4,03%; Sản xuất xe có động cơ tăng 5,24%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu tăng 6,18%, nguyên nhân tăng là do thị trường tiêu thụ trong nước tiếp tục duy trì, mặt khác một số sản phẩm thị trường xuất khẩu đã có dấu hiệu khá hơn nên sản xuất có khả quan hơn.Tuy nhiên một số ngành sản xuất dự ước chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ như: Sản xuất điện tử, máy tính (-3,89%); Sản xuất phương tiện vận tải (-1,97%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (-7,7%)… nguyên nhân giảm do ảnh hưởng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn do thiếu đơn hàng; riêng ngành sản xuất phân phối điện giảm 3,2% so cùng kỳ do kế hoạch sản xuất giảm theo chỉ định của Tổng công ty điện lực Việt Nam..

- Chỉ số sản phẩm công nghiệp Dự ước tháng 5 năm 2023 tăng so với tháng cùng kỳ năm trước như: Đá xây dựng các loại 1.685 nghìn m3, tăng 8,73%; bột ngọt 25,5 nghìn tấn, tăng 20%; nước ngọt các loại 22,8 triệu lít, tăng 9,44%; sợi các loại 86,2 nghìn tấn, tăng 8,47%; vải các loại đạt 51,2 triệu m2, tăng 14,38%; quần áo các loại đạt 20,6 triệu cái, tăng 12,21%. Nguyên nhân sản lượng tăng do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn, mặt khác một số doanh nghiệp vẫn duy trì được lượng đơn đặt hàng cũ và tiếp tục sản xuất phục vụ cho thị trường nội địa.

- Chỉ số tiêu thụ: Tiêu thụ sản phẩm đang gặp khó khăn đáng kể, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 5 giảm 5,58% so với tháng 04/2023 và giảm 9,87% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ giảm 8,83% so cùng kỳ. Sở dĩ chỉ số tiêu thụ giảm là do thị trường xuất khẩu và tiêu thụ chưa được cải thiện, nên hầu hết các sản phẩm tiêu thụ đều giảm so cùng kỳ, cụ thể như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,33%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 4,13%, sản phẩm cao su và plastic giảm 28,21%, sản xuất kim loại giảm 13,87%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 12,07%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 39,08%.

- Chỉ số tồn kho: toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 05/2023 dự ước chỉ số tồn kho tăng 5% so với tháng 04/2023 và giảm 14,9% so tháng 5 năm 2022. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+56,47%); sản xuất đồ uống (+148,71%); ngành dệt (+7,71%); sản xuất cao su và plastic (+0,61%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+0,03%); sản xuất phương tiện vận tải khác (+19,86%); sản xuất sản phẩm giấy (+12,06%); sản xuất sản phẩm hóa chất (+4,12%). Nguyên nhân chỉ số tồn kho tăng là do do thị trường xuất khẩu và tiêu thụ chậm, đồng thời doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất theo các đơn hàng cũ, để chờ khi có đơn đạt hàng mới để xuất khẩu, mặt khác do duy trì sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động, điều này đã tác động đến chỉ số tồn kho tăng cao.

- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 5/2023 tăng 1,02% so với tháng trước và giảm 13,25% so tháng cùng kỳ, nguyên nhân giảm so cùng kỳ là do ngành công nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất, thiếu việc làm, duy trì sản xuất cầm chừng, nên số lao động giảm đáng kể so cùng kỳ.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 chỉ số sử dụng lao động giảm 8,17% so cùng kỳ, trong đó khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo giảm mạnh (-8,25%) và mức giảm mạnh là doanh nghiệp ngoài nhà nước (-19,74%); doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (-7,21%), doanh nghiệp nhà nước (-2,39%) điều này cho thấy tình trạng thiếu việc làm do đơn hàng giảm sút, mà chịu ảnh hưởng vẫn là người lao động khu vực ngoài nhà nước do việc làm không ổn định, thu nhập thấp v.v…

2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông Nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 5 và 5 tháng cơ bản thuận lợi, thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa nên người dân tranh thủ xuống giống một số cây trồng vụ Hè thu và cây lâu năm. Công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi luôn được các sở ban ngành địa phương quan tâm. Thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng. Tuy nhiên vẫn gặp một số khó khăn đó là chi phí nguyên, vật liệu cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn cao như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc…. Kết quả hoạt động các lĩnh vực như sau:

Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đến 15/5/2023 là 59.264,23 ha, giảm 385,52 ha (-0,65%) so với cùng kỳ, trong đó:

Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân toàn tỉnh là 39.536,91 ha, giảm 1,06% so cùng kỳ. Trong đó: Nhóm cây lương thực đạt 24.606,33 ha, chiếm 62,24% so với tổng diện tích và tăng 0,01% (diện tích lúa 15.271,94 ha, tăng 0,06%; bắp 9.334,39 ha, giảm 0,08%); Nhóm cây củ có bột là 4.501,13 ha, tăng 0,52%; Nhóm cây thực phẩm là 6.877,69 ha, giảm 1,19%; Nhóm cây hàng năm khác là 3.551,76 ha, giảm 9,36% so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân giảm do một số diện tích thu hoạch vụ Mùa chậm nên người dân chưa chuẩn bị các khâu làm đất để xuống giống, một số chân ruộng lúa cao không đủ nước để gieo trồng, hơn nữa hiện nay hầu hết diện tích gieo trồng có xu hướng giảm dần do công tác quy hoạch, xây dựng, cho thuê v.v…

Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè thu là 19.727,32 ha, tăng 39,22 ha (+0,2%) so cùng kỳ. Một số cơn mưa đầu mùa không lớn nhưng đủ để người dân tranh thủ xuống giống trên những diện tích được cày ải của vụ Đông xuân đã thu hoạch xong. Trong đó:  Nhóm cây lương thực đạt 9.845,65 ha, tăng 0,05%; Nhóm cây củ có bột đạt 3.644,6 ha, tăng 0,22%; Nhóm cây thực phẩm đạt: 499,62 ha, tăng 0,73%; Nhóm cây công nhiệp hàng năm đạt 2.190,64 ha, tăng 0,45%; Nhóm cây hàng năm khác đạt 871,6 ha, tăng 0,3% so cùng kỳ.

Ước năng suất một số cây trồng chính tăng, giảm trong vụ so cùng kỳ như sau: Năng suất lúa: 65,91 tạ/ha, tăng 0,03 tạ/ha (+0,05%); bắp: 90,15 tạ/ha, tăng 0,05 tạ/ha (+0,06%); Năng suất khoai lang: 112,46 tạ/ha, tăng 0,02%; Năng suất đạt 699,08 tạ/ha, tăng 0,05 tạ/ha (+0,01%); Năng suất đậu tương đạt 18,98 tạ/ha, tăng 0,11%; Năng suất lạc đạt 23,86 tạ/ha, tăng 0,08%

Dự ước sản lượng thu hoạch 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ như sau: Lúa đạt 87.489,92 tấn, tăng 1,24%; Bắp đạt 61.754,78 tấn, tăng 0,57%; Khoai lang đạt 478,38 tấn, giảm 3,52%; Đậu tương đạt 172,88 tấn, tăng 1,2%; Đậu phộng là 625,06 tấn, giảm 0,66%; Rau các loại đạt 81.491,68 tấn, tăng 2,59%; Đậu các loại đạt 1.093,17 tấn, tăng 1,42% so cùng kỳ.

Cây lâu năm: Trong tháng 5 năm 2023, tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, từ đầu tháng bắt đầu vào mùa mưa nên người nông dân tập trung trồng mới cây lâu năm và tập trung nhiều vào khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu cho cây trồng, đặc biệt là một số cây trồng ăn quả đang trong thời kỳ ra bông kết trái. Hiện nay đang thu hoạch xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, tiêu, điều, cao su, …

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 169.710,87 ha, tăng 0,09% so cùng kỳ. Trong đó: Diện tích cây ăn quả đạt 76.572,86 ha, tăng 0,43% và chiếm 45,12% so với tổng diện tích; Diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 93.138,01 ha, giảm 0,19% so cùng kỳ và chiếm 54,88% tổng diện tích.

Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong 5 tháng đầu năm như sau: xoài đạt 48.411,73 tấn (+0,91%); chuối đạt 75.449,29 tấn (+16,79%); thanh long đạt 4.238,79 tấn (+2,39%); bưởi đạt 23.645,77 tấn (+16,93%), nguyên nhân sản lượng tăng là do giá bán tại thời điểm này có xu hướng tăng, đặc biệt một số cây ăn quả đặc thù như chuối, bưởi có giá trị kinh tế cao, hơn nữa các chuỗi liên kết sản xuất gắn liền với việc tiêu thụ sản phẩm nông sản nhiều vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, câu lạc bộ từng bước đi vào sản xuất ổn định, nên sản lượng tăng khá.

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 5/2023 là 2.704.666 con, giảm 0,19% so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.895 con (+0,0,21%); Bò đạt 90.824 con (+2,45%); Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò ở huyện Nhơn Trạch và Cẩm Mỹ đầu tư thêm con giống để nuôi; Đàn heo đạt 2.609.947 con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 7.325 con (-0,28%) so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn heo giảmdo chi phí đầu vào tăng cao và chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi hiện tăng gấp nhiều lần so với trước, giá heo hơi bán ra dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chăn nuôi phải “treo” chuồng hoặc bỏ nghề vì thua lỗ. Bên cạnh đó, thị trường nội địa đang quá tải vì sản phẩm chăn nuôi không xuất khẩu được như kỳ vọng. Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chịu áp lực quá lớn do sản xuất cung lớn hơn cầu. Mặt khác, sau Tết Nguyên đán 2023, thị trường tiêu thụ có xu hướng giảm hơn vì kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng phải tạm ngừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, các bếp ăn tập thể tiêu thụ chậm sản phẩm chăn nuôi heo, do vậy người chăn nuôi cũng cân nhắc trong việc tái đàn. Giá heo hơi trên địa bàn Đồng Nai đến ngày 16/5/2023 dao động trong khoảng từ 53.000 đến 55.000 đồng/kg.

Dự ước sản lượng thịt gia súc 5 tháng đầu năm đạt 162.010 tấn, tăng 3,04% so cùng kỳ. Trong đó: thịt trâu đạt 91 tấn, tăng 17,74%; thịt bò đạt 1.698 tấn, tăng 11,09%; thịt heo đạt 160.221 tấn, tăng 2,96%.

Tổng đàn gia cầm là 25.404,53 nghìn con, tăng 5,15% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 22.505,54 nghìn con, tăng 5,78%. Sản lượng thịt gia cầm 5 tháng đầu năm ước đạt 82.092,73 tấn, tăng 8,01%, trong đó thịt gà 72.281,82 tấn, tăng 8,61%; Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 562.531,39 nghìn quả, tăng 1% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gà tăng khá cao so cùng kỳ là do thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả hợp lý, dịch bệnh không phát sinh, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi; So với các loại vật nuôi khác, chăn nuôi có lợi thế về hiệu quả kinh tế do vòng quay ngắn, hệ số nhân đàn nhanh.

Trong tháng không phát sinh các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ: triển khai công tác tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

b) Lâm nghiệp

Trong tháng 5/2023 sản lượng gỗ khai thác dự ước đạt 28.526 m3, tăng 3,28% so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 đạt 112.137,64 m3, tăng 2,03% so cùng kỳ, nguyên nhân tăng là do diện tích rừng sản xuất đã đến kỳ thu hoạch và một số diện tích khai thác tận thu dự án chuyển đổi quy hoạch.

Sản lượng củi khai thác dự ước tháng 5/2023 đạt 294 ste, tăng 3,52% so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 đạt 1.125,24 ste, tăng 2,29% so cùng kỳ.

c) Thủy sản

Ước tính tổng sản lượng thủy sản tháng 5/2023 đạt 5.983,91 tấn, tăng 5,95% so cùng kỳ; lũy kế 5 tháng ước đạt 29.367,37 tấn, tăng 4,29% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá ước đạt 23.510,42 tấn, tăng 4,06%; Sản lượng tôm đạt 4.733,57 tấn, tăng 5,65%; Sản lượng thủy sản khác đạt 1.123,38 tấn, tăng 3,62%. 

3. Tình hình thực hiện vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 5 tháng đầu năm 2023 có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn như: công tác giải phóng mặt bằng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các dự án, từ đó, gây khó khăn cho công tác thực hiện thi công công trình từ nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng thì những hạn chế, yếu kém về năng lực của các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn và sự phối hợp thiếu nhịp nhàng trong công tác thẩm định hồ sơ cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cũng như tiến độ thực hiện dự án, trong đó tình trạng trả đi trả lại hồ sơ làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án diễn ra khá phổ biến. Dự ước thực hiện vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà Nước do địa phương quản lý tháng 5 năm 2023 thực hiện 749,88 tỷ đồng, tăng 6,19% so với tháng 4 năm 2023. Ước 5 tháng thực hiện 3.238,3 tỷ đồng, tăng 23,08% so cùng kỳ và bằng 24,99% so kế hoạch năm 2023.

4. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 20/5/2023, thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài (FDI) đạt khoảng 568,78 triệu USD, tăng 2 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 đạt 287,5 triệu USD), trong đó: cấp mới 27 dự án với tổng vốn đăng ký 73,47 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, tăng 2,7 lần về số dự án và bằng 88,09% về vốn đăng ký cấp mới) và 37 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 495,31 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, tăng 37,04% số dự án bổ sung tăng vốn và tăng gấp 2,4 lần về vốn bổ sung).

Tính từ đầu năm đến ngày 22/5/2023, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư (chưa bao gồm các dự án trúng đấu giá, đầu thầu) và điều chỉnh tăng, giảm vốn khoảng 2.186,5 tỷ đồng, gấp hơn 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 đạt 388,185 tỷ đồng). Trong đó: cấp mới 12 dự án (trong khu công nghiệp 08 dự án, ngoài khu công nghiệp 04 dự án) với tổng vốn đăng ký là 1.458,63 tỷ đồng (tăng gấp 9 lần so cùng kỳ); có 05 dự án tăng vốn với số vốn bổ sung là 747,87 tỷ đồng (tăng 3,3 lần so cùng kỳ); có 01 dự án giảm vốn với số vốn giảm là 20 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/5/2023, tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn là 19.668 tỷ đồng, bằng 59% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: có 1.391 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 8.202 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 79,94% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bằng 78,48% về số vốn thành lập mới) và 482 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung khoảng 11.466 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 32,42% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bằng 50,14% về số vốn thành lập mới).

Từ ngày 01/5/2023 đến ngày 15/5/2023, có 18 doanh nghiệp giải thể (tăng 180% so với cùng kỳ) và có 49 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động (tăng 257% so với cùng kỳ); 61 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 148% so với cùng kỳ). Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

5. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 5/2023 ước đạt 21.253,68 tỷ đồng, tăng 1,83% so tháng trước và tăng 13,02% so tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng ước đạt 106.269,7 tỷ đồng, tăng 14,88% so cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 12,11%) Trong đó:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 ước đạt 15.431,9 tỷ đồng, tăng 1,97% so với tháng trước, tăng 9,56% so tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng bán lẻ hàng hóa ước đạt 77.591,67 tỷ đồng, tăng 12,07% so cùng kỳ. Ngành Công Thương tập trung phát triển thị trường trong nước, Hệ thống mạng lưới phân phối bán buôn và bán lẻ mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, hàng hóa, dịch vụ, chất lượng được cải thiện. Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa góp phần tăng doanh thu ngành thương mại, dịch vụ của tỉnh.

Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống tháng 5/2023 ước đạt 2.077,9 tỷ đồng, tăng 1,78% so với tháng trước và tăng 23,72% so với tháng cùng kỳ. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 2,15%; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 1,77% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng ước đạt 10.204,3 tỷ đồng, tăng 22,96% so cùng kỳ.

Du lịch lữ hành tháng 5/2023 ước đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 3,71% so tháng trước. Tính chung 5 tháng ước đạt 27,67 tỷ đồng, tăng cao so cùng kỳ năm trước (tăng 332,28%).

Doanh thu các ngành dịch vụ tháng 5 ước đạt 3.738,5 tỷ đồng, tăng 1,29% so với tháng trước, tăng 23,04% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng ước đạt 18.446,1 tỷ đồng, tăng 23,04% so cùng kỳ.

5.2. Giá cả thị trường

Trong tháng 5 giá tiêu dùng khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5/2023 giảm 0,08% so với tháng trước (khu vực thành thị giảm 0,02%; khu vực nông thôn giảm 0,15%)

So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 5/2023 tăng 1,28% so với tháng 5/2022. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm giáo dục 9,59%; tăng thấp nhất nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,21%. Có 02 nhóm hàng hóa giảm là giao thông giảm 9,4%; bưu chính viễn thông giảm 0,63%.

Chỉ số giá bình quân 5 tháng tăng 2,77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 09 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất nhóm Giáo dục (+11,48%); có 02 nhóm chỉ số giá giảm là giao thông giảm 3,95%; bưu chính viễn thông giảm 0,35%. Các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,31% đến 10,1%.

+ Chỉ số giá vàng trong tháng 5/2023 tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 5,37% so 12 tháng năm trước. Bình quân cùng kỳ giảm 0,6% so với cùng kỳ.

+ Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 5/2023 giảm 0,2% so tháng trước và giảm 3,6% so tháng 12 năm trước. Bình quân cùng kỳ tăng 1,88%.

5.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 5 năm 2023 đạt 1.851,79 triệu USD, tăng 3,16% so với tháng trước và giảm 12,6% so tháng cùng kỳ. So với tháng trước một số nhóm hàng xuất khẩu dự ước tăng như: Hạt điều nhân (+4,2%); cà phê (+3,45%); Sản phẩm gỗ (+3,48%); Hàng dệt may (+2,93%); Giày dép các loại (+1,94%); Máy vi tính (+5,69%); Xơ, sợi (+4,69%); máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (+2,35%) …Thị trường xuất khẩu tháng 5 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 577 triệu USD, chiếm 31,16%; Nhật Bản đạt 176,9 triệu USD, chiếm 9,56%; Trung Quốc đạt 154 triệu USD, chiếm 8,32%; Hàn Quốc ước đạt 105 triệu USD, chiếm 5,67%...

Tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.523,32 triệu USD, giảm 20,41% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước giảm 24%; kinh tế ngoài nhà nước giảm 15,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 22% so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm so cùng kỳ do tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với các chính sách thắt chặt tiền tệ, sức mua tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều giảm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm; các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng không thiết yếu như: Sản xuất đồ gỗ, giày da, hàng may mặc…

Một số mặt hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ như: Sản phẩm gỗ (-40%); hàng dệt may (-12,7%); giày dép các loại (-13,38%); máy móc thiết bị và dụng cụ (-11,65%); xơ sợi các loại (-25,34%) ...

Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 năm 2023 ước đạt 1.308 triệu USD, tăng 4,25% so tháng trước, so với tháng trước một số mặt hàng nhập khẩu chủ lực tăng như: Xơ, sợi dệt (+13,97%); vải các loại (+6,59%); chất dẻo (+5,42%); hóa chất (+3,67%); nguyên liệu thức ăn gia súc (3,76%). Tính chung 5 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6.277,48 triệu USD, giảm 23,63% so cùng kỳ. Nhập khẩu hàng hóa 5 tháng giảm so cùng kỳ chủ yếu do các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đơn hàng bị sụt giảm, dẫn tới nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm, do đó hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều giảm so cùng kỳ như: Chất dẻo (Plastic) nguyên liệu giảm 34,3%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 49,3%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 32%; vải các loại giảm 28,7%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 33,6%; Sắt thép các loại giảm 18,8%...

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 5, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất ước đạt 365,7 triệu USD, chiếm 27,96%; Hàn Quốc ước đạt 173,4 triệu USD, chiếm 13,25%; Nhật Bản ước đạt 110,5 triệu USD, chiếm 8,45%; Hoa Kỳ đạt 92,8 triệu USD, chiếm 7,1%...

Tính chung 5 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xuất siêu đạt 2.245,84 triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 450 triệu USD.

5.4. Giao thông vận tải

Dự ước doanh thu vận tải hành khách 5 tháng ước đạt 1.763 tỷ đồng, tăng 127,69% so cùng kỳ.

- Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 5 ước đạt 6,3 triệu tấn, tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 11,97% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 535,5 triệu tấn.km, tăng 1,11% so với tháng trước và tăng 13,08% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng khối lượng vận chuyển ước đạt 31,6 triệu tấn, tăng 20,06%; khối lượng luân chuyển đạt 2.684,97 triệu tấn.km, tăng 20,43% so với cùng kỳ.

Dự ước doanh thu vận tải hàng hoá 5 tháng ước đạt 7.026,4 tỷ đồng, tăng 29,1% so cùng kỳ.

Dự ước doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5/2023 đạt 773 tỷ đồng tăng 1,06% so với tháng trước và tăng 14,66% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng ước đạt 3.862,79 tỷ đồng, tăng 22,13% so cùng kỳ.

Nhìn chung, hoạt động vận tải 5 tháng đầu năm 2023 đều tăng cả về doanh thu và sản lượng so với cùng kỳ do nhu cầu đi lại và nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tăng.

II. VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Văn hóa thông tin

Tháng 5 năm 2023, ngành VHTTDL tập trung tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ, phục vụ các nhiệm vụ chính trị như: Lễ Kỷ niệm 69 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2023); 137 năm ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2023). Tuyên truyền Bảo vệ Môi trường; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trang trí, tuyên truyền Lễ họp mặt truyền thống các lực lượng vũ trang chiến đấu trên chiến trường Biên Hòa (U1) tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Chương trình văn nghệ chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” tại Trảng Bom; Cảnh trí, phông cho chương trình Tuyên truyền lưu động của đội biểu diễn tại cơ sở; Hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Đồng Nai 2023 (ngày 16/5); Chương trình văn nghệ ghi hình chủ đề “Tổ quốc nhìn từ Biển” (ngày 15/5)... Tổ chức Hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Đồng Nai năm 2023; Tập luyện chương trình Tuyên truyền lưu động nội dung: hoạt động Hè và kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hoà - Đồng Nai (1698-2023).

2. Thể dục thể thao

- Giải quốc tế: Tham gia Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32) tại Campuchia từ ngày 04/5 - 16/5/2023, đạt 05 huy chương: Kun Bokator (01 HCV, 01 HCĐ), Điền kinh (01 HCV, 01 HCB), Vovinam (01 HCB).

- Giải quốc gia: Tham gia 5 giải, đạt 30 huy chương (14HCV, 10HCB, 06HCĐ), cụ thể: Giải Cầu lông các CLB tỉnh, thành, ngành toàn quốc năm 2023 - Tranh cúp Thành Công tại Điện Biên đạt 01HCV, 02HCB, 01HCĐ; Giải Vô địch các CLB Yoga quốc gia lần II năm 2023 tại Quảng Ninh đạt 11HCV, 06HCB, 01HCĐ, xếp hạng 1/17 đơn vị, CLB tham gia; Giải vô địch Cờ vua đồng đội quốc gia năm 2023 tại Bắc Giang; Giải vô địch quốc gia các môn Điền kinh, Bắn cung, Judo khiếm thị, Quần vợt xe lăn người khuyết tật năm 2023 tại TP.Hồ Chí Minh, đạt 01HCV, 02HCB, 03HCĐ; Giải vô địch Boxing các đội mạnh toàn quốc năm 2023 tại Đắk Lắk, đạt 01HCV, 01HCĐ.

 3. Y tế

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng 5/2023, số ca mắc tay chân miệng là 200 ca, tăng gấp 1,56 lần so với tháng trước và giảm 73,47% so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 5 tháng đầu năm là 415 ca, giảm 55,8% so với cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Sốt xuất huyết ghi nhận 168 ca (từ ngày 14/4-11/5/2023), giảm 63 ca (-27,27%) so với tháng trước, không ghi nhận 01 ca tử vong; Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.417 ca mắc sốt xuất huyết Dengue nhập viện (trong đó trẻ em dưới 15 tuổi là 817 ca, chiếm 55,54%), giảm 36,28% so với cùng kỳ năm 2022; có 02 ca tử vong (cùng kỳ năm 2022 có 03 ca tử vong). Trong tháng 5 ghi nhận 01 ca sốt rét, tăng 01 ca so với tháng trước. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, tả, ho gà, uốn ván trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

* Dịch Covid-19: Tình hình dịch bệnh có tăng nhanh chóng, số ca mắc mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh và số ca nặng, nguy kịch, số ca bệnh tử vong do COVID-19 tăng mạnh so với tháng trước, cụ thể từ ngày 17/4/2023 – 14/5/2023 ghi nhận 1.343 trường hợp mắc bệnh trên địa bàn tỉnh, tăng 134,3 lần so với tháng trước (10 ca), trong đó 61 ca nặng, nguy kịch, tăng 30,5 lần so với tháng trước (2 ca). Các ca nhiễm đều được giám sát, xử lý kịp thời đúng quy định, không lây lan thành ổ dịch lớn. Từ đầu năm 2023 đến nay, ghi nhận tổng số 1.375 ca mắc mới; ghi nhận 02 ca tử vong do COVID-19.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 5/2023 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm 1.831 cơ sở, trong đó: 1.776 cơ sở đạt (chiếm 97%), số cơ sở vi phạm là 55 (chiếm 3%), phạt tiền 15 cơ sở, số tiền phạt: 139,5 triệu đồng, nhắc nhở: 40 đơn vị. Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

4. Giáo dục

Một số tình hình giáo dục trong tháng: Tổ chức thi nghề và chấm thi nghề phổ thông năm học 2022-2023. Tổ chức kiểm tra đánh giá cuối năm học và bàn giao chất lượng đối với học sinh các cấp. Thành lập hội đồng ra đề và tổ chức sao in đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024. Kiểm tra công tác tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia bậc tiểu học, THCS. Tiếp tục kiểm tra công nhận và tổng hợp danh sách các trường đề nghị kiểm tra công nhận đạt chuẩn Xanh – Sạch – Đẹp; Tổ chức thi tốt nghiệp tiếng Pháp cấp THCS trong khuôn khổ Chương trình song ngữ tiếng Pháp năm học 2022-2023. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Xét duyệt hồ sơ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thí sinh tự do chưa tốt nghiệp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra trong 2 ngày, từ 28 đến 29-6. Toàn tỉnh có 33.263 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 2000 thí sinh so với năm trước) trong đó có 26.009 thí sinh hệ THPT và 7.254 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. TP. Biên Hoà có nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhất với 11 ngàn thí sinh đăng ký, thứ nhì là H. Trảng Bom với trên 4,7 ngàn thí sinh, thứ ba là H. Long Thành với trên 3,6 ngàn thí sinh. Huyện có ít thí sinh đăng ký dự thi nhất là Cẩm Mỹ với trên 1.230 thí sinh đăng ký. Sở GD-ĐT đã có phương án bố trí 60 điểm thi trong toàn tỉnh với 1.408 phòng thi. Tại mỗi địa phương, Sở đều bố trí điểm thi dự phòng, đề phòng trường hợp phải thay đổi địa điểm thi.

 5. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Trong tháng 5/2023 đã giải quyết việc làm cho 8.542 lượt lao động. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm được 34.549 lượt lao động, đạt 43,19% kế hoạch năm và giảm 2,7% so cùng kỳ. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp 6.967 lượt người, hỗ trợ học nghề cho 97 người (giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước).

Trong tháng 5/2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 7.002 người, trong đó: Cao đẳng là 581 người, Trung cấp 498 người, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 5.923 người; Lũy kế từ đầu năm đào tạo 30.473 người đạt 42,27% kế hoạch năm. Toàn tỉnh có 6.449 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, lũy kế 5 tháng đầu năm số học viên tốt nghiệp là 27.333 người, đạt 41,73% kế hoạch, giảm 1,1% so cùng kỳ.

CỤC THỐNG KÊ ĐỒNG NAI

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỤC THỐNG KÊ TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: Đường Đồng khởi, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: (0251)3.822.419; Fax: (0251)3.819.047
Email: ctk@dongnai.gov.vn
Ghi rõ nguồn "thongke.dongnai.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này​



Chung nhan Tin Nhiem Mang