Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình kinh tế xã hội tháng 5 năm 2024

1. Sản xuất công nghiệp

Bước sang năm 2024 tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có sự phục hồi khá rõ thể hiện đó là, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng sản xuất đến hết năm và sang năm sau; Tình hình lạm phát trong nước và trên tthế giới trong xu hướng hạ nhiệt dần; Giá cả vật tư hàng hóa khá bình ổn; Thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn năm trước. Các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất chế biến gỗ, sản xuất điện tử, da giày, may mặc, dệt v.v… năm trước gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên năm 2024 đang có sự phục hồi dần. Chỉ số sản xuất, tiêu thụ của các ngành này có sự tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp trên địa bàn nói riêng vẫn chưa hết khó khăn, một số doanh nghiệp đơn hàng chưa nhiều, chưa ổn định, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.

Sang tháng 5, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng do có thêm đơn hàng sản xuất mới, xuất khẩu thuận lợi; nên sản xuất tăng trưởng khá. Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2024 tăng 1,86% so thángtrước, tăng 8,96% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng giảm 0,44% so với tháng trước; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,53%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 10,77%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước giảm 1,87% so tháng trước. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao đó là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 0,84%; Sản xuất đồ uống tăng 2,3%; Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 2,68%; Sản xuất trang phục tăng 0,95%; Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 3,21%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 2,88%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và Plastic tăng 2,15%; Sản xuất thiết bị điện tăng 1,82%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 1,13% v.v… do tiêu thụ sản phẩm thuận lợi; Tháng 5 so tháng 4/2024 có 24/27 ngành sản xuất tăng; có 3 ngành sản xuất giảm là: Sản xuất phân phối điện (-10,77%); Khai khoáng (-0,43%); In, sao chép bản ghi (-0,15%).

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 tăng 6,15% so cùng kỳ 2023, trong đó: ngành khai khoáng tăng 4,32%, ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tăng 7,15%; sản xuất và phân phối điện giảm mạnh (- 13,77%) do 5 tháng đầu năm nay Công ty Điện lực dầu khí Nhơn trạch 2 giảm công xuất hoạt động; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,51%. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm tăng 6,13%, Dệt tăng 5,31%; May mặc tăng 6,93%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,26%; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 7,35% v.v… một số ngành sản xuất khác như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,88%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,7%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,1%; Sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 9,61%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 10,81%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu tăng 11,11%. Nguyên nhân 5 tháng đầu năm hầu hết các ngành sản xuất đều tăng là do đơn hàng sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ; Thị trường trong nước đang có xu hướng tăng. Xét theo ngành công nghiệp cấp 2, trong 5 tháng đầu năm 2024 có 26/27 ngành có chỉ số sản xuất tăng so cùng kỳ, có 1 ngành sản xuất giảm đó là ngành sản xuất phân phối điện, nước (nguyên nhân do Công ty Điện lực dầu khí Nhơn trạch 2 những tháng đầu năm giảm công suất hoạt động).

- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Dự ước 5 tháng đầu năm 2024 có 20/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Bột ngọt 117,1 nghìn tấn, tăng 5,69%; Thuốc lá sợi đạt 6.549 tấn, tăng 8,72%; Quần áo các loại đạt 107,2 triệu cái; tăng 6,88%; Thuốc trừ sâu đạt 5.045,2 tấn, tăng 6,96%; Sơn các loại đạt 52,3 ngàn tấn, tăng 10,81%; Săm, lốp xe các loại đạt 38,6 ngàn cái, tăng 14,88%; Sản phẩm kim loại đạt 190,9 ngàn tấn, tăng 10,92%; Máy giặt đạt 156,8 ngàn cái, tăng 12,97%; Giường, tủ, bàn ghế đạt 4.603,3 ngàn cái, tăng 14,74%... với sự tăng trưởng nhiều sản phẩm chủ lực như trên cho thấy dấu hiệu phục hồi trong sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên có một số sản phẩm giảm do tình hình sản xuất phục hồi chậm đơn hàng sản xuất chưa nhiều, mặt khác do thị trường trong nước tiêu thụ chậm, nên sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ như: Nước ngọt các loại (-2,39%); Ván ép, gỗ cưa, gỗ lạng (-0,56%); Bê tông trộn sẵn (-8,23%); Điện sản xuất (-24,94%) do Công ty Điện lực dầu khí nhơn trạch 2 giảm công suất sản xuất.

- Chỉ số tiêu thụ: Tiêu thụ sản phẩm tháng 5, 5 tháng năm 2024 có mức tăng đáng kể, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 5 tăng 3,77% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ tăng 5,88% so cùng kỳ. Nguyên nhân chỉ số tiêu thụ sản phẩm 5 tháng tăng khá so với cùng kỳ do tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, đơn hàng sản xuất tăng.

 Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 05/2024 dự ước tăng 23,11% so với tháng 04/2024 và giảm 33,1% so tháng 5 năm 2023. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+64,57%); Dệt (+41,91%); Sản xuất trang phục (+27,25%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+ 15,08%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+11,27%); Sản xuất phương tiện vận tải khác (+18,93%) v.v…. 

2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản

a) Nông nghiệp

Cây hàng năm: Thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, trong tháng đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, nên người dân tranh thủ xuống giống một số cây trồng trên những diện tích đã thu hoạch sớm của vụ Đông xuân và tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất để xuống giống vụ Hè thu. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đến 15/5/2024 là 59.204,5 ha, giảm 104,82 ha (-0,18%) so với cùng kỳ, trong đó:

Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông xuân 2024 ước đạt 39.409,97 ha, giảm 44,44 ha (-0,11%) so cùng kỳ, trong đó: Nhóm cây lương thực đạt 24.477,36 ha, chiếm 61,98% so với tổng diện tích và giảm 0,52% (-128,97 ha), bao gồm: lúa 15.506,06 ha, tăng 1,53%, ngô 8.971,3 ha, giảm 3,89%; Nhóm cây củ có bột là 4.431,8 ha, giảm 1,54% (-69,33 ha); Mía đạt 53,11 ha, tăng 1,36 ha (+0,26%); Cây thuốc lá, thuốc lào đạt 436,4 ha, giảm 6,9 ha (-1,56%); Nhóm cây có hạt chứa dầu đạt 476,1 ha, giảm 8,7 ha (-1,79%); Nhóm cây rau, đậu các loại đạt 9.943,92 ha, giảm 85,82 (-1,22%); Nhóm cây hàng năm khác đạt 2.672,28 ha, tăng 253,92 ha (10,5%) so với cùng kỳ.

Nguyên nhân diện tích giảm chủ yếu ở một số cây trồng sau: Cây ngô giảm 3,89%, rau các loại giảm 2,45% do người dân chuyển đổi sang một số cây hàng năm khác và cây lâu năm, một số chân ruộng thiếu nước tưới người dân không gieo trồng. Bên cạnh đó một số diện tích giảm do nằm trong các dự án xây dựng, mở rộng hạ tầng đô thị như: công trình giao thông, công trình thoát nước, đập thủy lợi... được nhà nước thu hồi để thực hiện dự án.

Dự ước năng suất một số cây trồng vụ Đông Xuân 2024: Năng suất lúa đạt 66,54 tạ/ha, tăng 0,14%; bắp đạt 89,63 tạ/ha, tăng 0,71%; Năng suất khoai lang đạt 112,52 tạ/ha, tăng 0,05%; Mía đạt 698,44 tạ/ha, tăng 0,08%; Năng suất đậu tương đạt 19,88 tạ/ha, tăng 0,45%; Năng suất lạc đạt 23,13 tạ/ha, giảm 0,9%.... Năng suất của một số cây trồng tăng là do ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng vụ, chủ động nguồn nước tưới, thực hiện tốt khâu chăm bón, phòng chống dịch bệnh nên thiệt hại không lớn. Hơn nữa do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đối với mặt hàng nông sản ngày càng cao nên người dân đã đầu tư và áp dụng các biên pháp khoa học kỹ thuật, nhất là thay thế các loại giống cây trồng nên năng suất các loại cây trồng này tăng so cùng kỳ.

Dự ước sản lượng thu hoạch 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ như sau: Sản lượng lúa đạt 88.267,99 tấn, tăng 0,12%; Bắp đạt 61.355,71 tấn, tăng 0,5%; Khoai lang đạt 490,03 tấn, tăng 2,51%; Mía đạt 3.463,87 tấn, giảm 3,23%; Đậu tương đạt 184,85 tấn, tăng 2,52%; Lạc đạt 453,07 tấn, tăng 0,97%; Rau các loại đạt 83.889,33 tấn, tăng 1,12%; Đậu các loại đạt 1.287,37 tấn, tăng 2,52%.

Tiến độ gieo trồng vụ Hè thu: Tính đến ngày 15/5/2024 toàn tỉnh đã gieo trồng được 19.713,53 ha, giảm 60,38 ha (-0,31%) so cùng kỳ. Trong tháng mới xuất hiện một số cơn mưa đầu mùa không lớn và cục bộ nên người dân chỉ tranh thủ xuống giống trên những diện tích có đủ nước do đó tiến độ vụ Hè thu giảm so cùng kỳ.

Cây lâu năm: Tình hình sản xuất cây lâu năm tháng 5 và 5 tháng năm 2024 trên địa bàn phát triển tương đối ổn định; thời điểm này nắng, nóng nên người dân chỉ tổ chức trồng mới đối với cây Chuối vì loại cây này không chịu ảnh hưởng nhiều bởi nguồn nước và diện tích một số cây Xoài, Thanh Long do người dân chủ động được nguồn nước tưới; tập trung nhiều vào khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu cho cây trồng. Đối với cây công nghiệp lâu năm hiện nay người dân đang thu hoạch Điều, Tiêu, Cao Su; tập trung chăm sóc một số cây trồng ăn quả đang thời kỳ ra bông kết trái như Chôm Chôm, Bưởi…

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 169.960,92 ha, tăng 380,05 ha (+0,22%) so cùng kỳ. Tổng diện tích cây lâu năm tăng là do nông dân chuyển đổi một số diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như Xoài, Chuối, Mít, Sầu Riêng đang có xu hướng tăng mạnh do đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó: Tổng diện cây ăn quả là 78.272,86 ha, tăng 380,05 ha (+0,22%) so cùng kỳ và chiếm 46,05% tổng diện tích. Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 91.688,06 ha, giảm 19,95 ha (-0,02%) so cùng kỳ.

Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong 5 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ như sau: Xoài đạt 52.550 tấn, tăng 3,02%; Chuối đạt 90.685 tấn, tăng 20%; Thanh Long đạt 4.284,2 tấn, tăng 4,02%; Bưởi đạt 24.655,3 tấn, tăng 16,6%; Chôm Chôm đạt 52.401 tấn, tăng 1,67%, do một số vùng chủ động được nguồn nước và các hộ sản xuất thực hiện tốt khâu chăm bón, phòng chống dịch bệnh, nên sản lượng của hầu hết các loại cây ăn quả tăng so cùng kỳ. Sản lượng Điều đạt 43.045 tấn, giảm 0,2%; Tiêu đạt 23.430,7 tấn, tăng 0,63%; Sản lượng mủ Cao Su đạt 11.971,8 tấn, tăng 3,44%.

Sâu bệnh phát sinh chủ yếu ở một số cây như: bệnh chết chậm, bệnh thán thư trên cây tiêu; bệnh bọ xít muỗi, sâu đục thân trên cây Điều; bệnh phấn trắng, phấn hồng trên cây Cao Su; bệnh sâu vẽ bùa, sâu đục thân trên cây ăn trái... làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, tuy nhiên chỉ ở thể nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Chăn nuôi: Tình hình hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định. Ngành Thú y tiếp tục triển khai cho các đơn vị kết hợp với các cơ quan chuyên môn chú trọng tới công tác tuyên truyền và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhất là công tác tiêm phòng luôn được quan tâm, giám sát chặt chẽ; hướng dẫn các địa phương phải tập trung vào công tác quản lý, kiểm tra, giám sát từ cơ sở chăn nuôi đến hoạt động vận chuyển, kinh doanh; rà soát công tác tiêm phòng, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm tại địa phương, các đầu mối lưu thông và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Do đó trong tháng tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có phát sinh nhưng chỉ ở thể nhẹ và được phòng chống kịp thời, không phát sinh thành dịch.

Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 5/2024 là 2.122.330 con, giảm 4,04% so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.859 con, tăng 0,36%; Bò đạt 108.423 con, tăng 0,56%; Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò đầu tư thêm con giống để nuôi; Đàn heo đạt 2.010,05 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 4,28% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn heo giảm là do giá heo hơi ở mức thấp, tuy có tăng nhưng không nhiều nên phần nào ảnh hưởng tâm lý của người chăn nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ, chi phí đầu vào tăng cao và chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi hiện đang cao so với trước khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chăn nuôi phải “treo" chuồng hoặc bỏ nghề vì thua lỗ. Bên cạnh đó, thị trường nội địa đang quá tải vì sản phẩm chăn nuôi không xuất khẩu được như kỳ vọng. Thị trường tiêu thụ có xu hướng giảm hơn vì kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng phải tạm ngừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, các bếp ăn tập thể tiêu thụ chậm sản phẩm chăn nuôi heo, do vậy người chăn nuôi cũng cân nhắc trong việc tái đàn. Mặt khác việc di dời các dự án chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tại các địa phương dẫn đến tổng đàn giảm. Giá heo hơi trên địa bàn Đồng Nai đến ngày 17/5/2024 dao động trong khoảng từ 62.000 đến 64.000 đồng/kg.

Dự ước sản lượng thịt gia súc 5 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ: thịt trâu đạt 121,7 tấn, tăng 6,7%; thịt bò đạt 2.180,8 tấn, tăng 6,14%; thịt heo đạt 218.524,9 tấn, tăng 5,25% so với cùng kỳ. Mặc dù nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ tạm ngưng không tái đàn; tuy nhiên các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi heo vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn, thực hiện việc tiết kiệm trong mọi chi phí đầu vào chứ không giảm sản xuất, đồng thời chăm chút hơn cho chất lượng sản phẩm do vậy sản lượng heo xuất chuồng vẫn tăng khá so cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm có đến thời điểm tháng 5/2024 là 25.022,01 nghìn con, tăng 0,39% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 21.604,65 nghìn con, tăng 0,46%. Sản lượng thịt gia cầm 5 tháng ước đạt 85.997 tấn, tăng 3,76%, trong đó sản lượng thịt gà ước đạt 75.062,35 tấn, tăng 3,85% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gà tăng là do thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không phát sinh, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn; Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.

b) Lâm nghiệp

Tháng 5/2024 đã có những cơn mưa đầu mùa sau nhiều ngày nắng hạn nên các đơn vị lâm nghiệp tập trung vào trồng lại diện tích rừng đã thu hoạch. Dự ước diện tích rừng trồng mới trong tháng 5/2024 đạt 636,5 ha, tăng 6 ha (+0,95%) so với cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024 diện tích rừng trồng mới ước đạt được 1.199,5 ha, tăng 10,54 ha (+0,89%) so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do các chủ rừng và các đơn vị lâm nghiệp tập trung cho việc trồng rừng khi mùa mưa bắt đầu để hoàn thành đúng kế hoạch. Hơn nữa hiện nay thực hiện tốt mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi, các địa phương và chủ rừng thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rừng, chế biến các sản phẩm trong lâm nghiệp, do đó nhiều chủ rừng chủ động trồng rừng thay thế, trồng bổ sung các loại cây gỗ lớn bản địa, trồng rừng sản xuất thâm canh.

Trong tháng 5/2024 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 28.626 m3, tăng 0,35% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng số gỗ khai thác đạt được 115.172,3 m3, tăng 2,34% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác trong tháng 5/2024 ước đạt 298 ste, tăng 1,36% so tháng cùng kỳ. Ước 5 tháng đạt 1.205 ste, tăng 2,53% so với cùng kỳ.

c) Thủy sản

Dự ước sản lượng thủy sản trong tháng 5/2024 đạt 6.769,62 tấn, tăng 4,9% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đạt 31.940,29 tấn, tăng 4,19% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng khai thác đạt 3.303,37 tấn, giảm 0,64% (sản lượng cá ước đạt 2.867,62 tấn, giảm 0,57%; tôm đạt 217 tấn, giảm 0,56%; thủy sản khác đạt 218,74 tấn, giảm 1,51%). Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 28.636,92 tấn, tăng 5,48% so cùng kỳ (sản lượng cá ước đạt 23.615,34 tấn, tăng 5,44%; tôm đạt 4.181,57 tấn, tăng 4,79%; thủy sản khác đạt 840 tấn, tăng 1,22% so cùng kỳ).

Nguyên nhân sản lượng thủy sản tăng là do do nhu cầu thị trường tiêu thụ xã hội, sản phẩm thủy sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều, giá bán sản phẩm thủy sản tăng cao, do đó mà nhiều hộ gia đình chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng, chăm sóc con giống, vật nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.

3. Tình hình thực hiện vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 5 tháng đầu năm 2024 vẫn còn gặp một số khó khăn như: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, công tác giải ngân chưa kịp thời. Tuy nhiên với sự quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, trong đó khâu giải ngân, giải phóng mặt bằng là quan trọng nhất với mục tiêu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, tập trung công tác giải ngân kịp thời; đồng thời lên các phương án rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và giám sát về tiến độ thi công, vì vậy kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 tháng đầu năm vẫn đạt kết quả khá.

Dự ước thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh tháng 5 năm 2024 thực hiện 926,4 tỷ đồng, tăng 9,03% so với tháng 04; Ước 5 tháng đầu năm 2024 thực hiện 3.838,4 tỷ đồng; tăng 17,8% so cùng kỳ và bằng 25,6% KH năm 2024.

4. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Từ đầu năm đến ngày 20/5/2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 835,65 triệu USD, tăng 46,92% so cùng kỳ, trong đó: cấp mới 40 dự án với tổng vốn đăng ký 519,17 triệu USD, tăng gấp hơn 7 lần so cùng kỳ và 39 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 316,48 triệu USD, giảm 36,1% so cùng kỳ.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 20/5/2024, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn khoảng 10.516,05 tỷ đồng, gấp 4,8 lần so với cùng kỳ. Trong đó: cấp mới 06 dự án với tổng vốn đăng ký là 5.024,35 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so cùng kỳ; có 08 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký bổ sung là 5.491,7 tỷ đồng, gấp hơn 7,3 lần so cùng kỳ năm 2023.

Từ đầu năm đến ngày 15/5/2024, tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn là 30.982 tỷ đồng, tăng 57,52% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Có 1.615 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 11.476 tỷ đồng, tăng 39,92%; Có 435 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung với số vốn là 19.506 tỷ đồng, tăng 70,12% so cùng kỳ. Ngoài ra có 608 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, đạt 83% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn chung 5 tháng đầu năm do kinh tế đang phục hồi dần, số doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao.

Từ ngày 01/5/2024 đến ngày 15/5/2024, có 30 doanh nghiệp giải thể, tăng 66,66% so với cùng kỳ và có 31 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, bằng 63,2% so với cùng kỳ; 67 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 9,8%. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

5. Thương mại, dịch vụ, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

​5.1. Thương mại và dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 năm 2024 ước đạt 23.316,4 tỷ đồng, tăng 1,27% so tháng trước và tăng 9,29% so tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng ước đạt 120.126,3 tỷ đồng, tăng 12,45% so cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng khoảng 9,85% so cùng kỳ.

- Phân theo ngành hot động như sau:

+ Bán lẻ hàng hóa tháng 5 ước đạt 16.419,2 tỷ đồng, tăng 1,61% so với tháng trước và tăng 7,02% so tháng cùng kỳ. Trong tháng, doanh thu các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước như: Hàng may mặc tăng 2,53%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,89%; Vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 4,36%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,85%... Tính chung 5 tháng bán lẻ hàng hóa ước đạt 85.946,9 tỷ đồng, tăng 11,29% so cùng kỳ. Ngành Công Thương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình như: Xúc tiến thương mại, tổ chức và tham gia các Hội chợ triển lãm hàng Việt Nam; hội chợ vùng Đông Nam Bộ… nhằm kết nối giao thương doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa góp phần tăng doanh thu ngành thương mại, dịch vụ của tỉnh.

+ Doanh thu ngành khách sạn, nhà hàng tháng 5 ước đạt 2.629,6 tỷ đồng, tăng 0,74% so với tháng trước và tăng 19,43% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng doanh thu ngành khách sạn, nhà hàng ước đạt 13.045,12 tỷ đồng, tăng 20,4% so cùng kỳ.

+ Du lịch lữ hành tháng 5 ước đạt 7,7 tỷ đồng, giảm 1,21% so tháng trước. Luỹ kế 5 tháng ước đạt 38,1 tỷ đồng, tăng 25,51% so cùng kỳ. Sau kỳ nghỉ lễ (30/4 và 01/5) nhu cầu đi du lịch, vui chơi, giải trí trong tháng 5 giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, bước vào mùa du lịch hè năm 2024, nhiều công ty du lịch đã bắt đầu các chương trình khuyến mãi các tour du lịch mùa hè để thu hút khách hàng, nên doanh thu du lịch tăng so cùng kỳ.

+ Doanh thu các ngành dịch vụ tháng 5 ước đạt 4.260 tỷ đồng, tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 12,55% so với tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 5 tháng ước đạt 21.096,2 tỷ đồng, tăng 12,61% so cùng kỳ. So cùng kỳ các ngành dịch vụ tăng như: Dịch vụ kinh doanh bất động sản, tăng 13,42%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ, tăng 8,77%; giáo dục, đào tạo, tăng 7,44%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tăng 14,69%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 20%...

5.2. Giá cả thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 năm 2024 tăng 0,05% so với tháng trước. (Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,1%; khu vực nông thôn tăng 0,01%)

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá và 02 nhóm hàng giảm giá. Diễn biến các nhóm hàng hoá chính so với tháng trước như sau:

+ Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,35% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung của CPI là (+0,11%). Tăng chủ yếu các mặt hàng thực phẩm tháng 5 tăng 0,65% so với tháng trước. nguyên nhân chủ yếu là do trong tháng 5 giá heo hơi có xu hướng tăng do nguồn heo thịt cung cấp cho chị trường giảm; giá các mặt hàng thịt gà tăng 0,48%; các mặt hàng rau tươi, khô và chế biến tăng 2,94% so với tháng trước, do thời tiết đã chuyển sang mùa mưa nhiều loại rau xanh bị hư hại, năng suất giảm làm cho giá các mặt hàng này trong tháng tăng như cà chua tăng 23%; bắp cải tăng 4,4%; quả đỗ tươi tăng 6,95%…

Lương thực giảm 0,38%, nguyên nhân do trong tháng 5 giá nhiều mặt hàng gạo giảm do nhiều địa phương mới thu hoạch xong vụ Đông Xuân nên lúa gạo trong dân còn nhiều; bên cạnh đó giá xuất khẩu gạo ổn định, làm cho giá gạo trong tháng giảm, hiện tại giá gạo tẻ thường giảm 0,55%; gạo nếp giảm 0,12%. Giá mặt hàng bột mì và ngũ cốc khác giảm bình quân 1,2%.

+ Đồ uống và thuốc lá tăng 0,47%. Mặc dù đã vào mùa mưa nhưng thời tiết vẫn nắng nóng nên nhu cầu sử dụng các loại nước giải khát tăng, ngoài ra do giá các mặt hàng nước có gas tăng 0,29%; nước khoáng tăng 0,31%.

+ Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,62%): Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng. Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 3,23%; nước sinh hoạt tăng 0,33%. Ở chiều ngược lại, giá gas giảm 1,13%, dầu hoả giảm 5,7% do ảnh hưởng giá thế giới; giá vật liệu bảo dưỡng và sửa chữa nhà giảm nhẹ do giá các mặt hàng sắt thép xây dựng giảm nhẹ.

+ Các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ so tháng trước như: May mặc, mũ nón, giày dép (+0,03%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,01%); giáo dục (+0,01%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,29%).

Có 02 nhóm hàng hoá giảm so tháng trước là:

+ Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,01% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu giá các mặt hàng xăng, dầu điều chỉnh giảm làm cho nhóm nhiên liệu bình quân giảm 4,24% so với tháng trước. Trong đó xăng giảm 4,75%; dầu Diezel giảm 5,07%; giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,36%.

+ Văn hóa, giải trí và du lịch (-0,14%). Riêng bưu chính viễn thông ổn định so tháng trước.

So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 5/2024 tăng 3,23% so với tháng 5/2023. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm y tế tăng 9,04%; tăng thấp nhất nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,02%. Riêng Bưu chính viễn thông giảm 0,07%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,72%.

Chỉ số giá bình quân 5 tháng tăng 2,59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thuốc và dịch vụ y tế (+9,07%); Hàng hoá và dịch vụ khác (+7,7%); Giao thông (+3,55%); Nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và VLXD (+3,01%); Giáo dục (+2,25%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,52%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,45%); Đồ uống và thuốc lá (+0,6%). Có 03 nhóm chỉ số giá giảm là May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,23%; Văn hoá, giải trí và du lịch giảm 2,29%.

- Chỉ số giá vàng tháng 5/2024 tăng 2,07% so với tháng trước và tăng 34,51% so cùng tháng năm trước. Bình quân 5 tháng tăng 24,91% so với cùng kỳ.

- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 5/2024 tăng 0,87% so với tháng trước và tăng 8,43% so cùng tháng năm trước. Bình quân 5 tháng tăng 6,07% so với cùng kỳ.

5.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5 có tín hiệu tích cực hơn, sự phục hồi của thị trường thế giới, đơn hàng xuất khẩu tăng, các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực khai thác, tiếp cận đa dạng các thị trường để phát triển đơn hàng. Bên cạnh đó nắm bắt tối đa các ưu đãi từ các (FTA) đã ký kết nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 5 năm 2024 đạt 1.974,4 triệu USD, tăng 4,72% so với tháng trước và tăng 7,22% so tháng cùng kỳ. So với tháng trước hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu dự ước tăng như: Hạt điều nhân (+5,72%); cà phê (+8,34%); cao su (+7,21%); sản phẩm gỗ (+2,67%); hàng dệt may (+6,81%); giày dép các loại (+3,92%); máy vi tính (+6,28%); xơ, sợi dệt các loại (+8,56%); máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (+1,96%) …

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9.285,5 triệu USD, tăng 8,9% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 194,2 triệu USD, tăng 3,49%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.251,2 triệu USD, tăng 7,64%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.840,1 triệu USD, tăng 9,48%. Hầu hết các nhóm hàng dự ước tăng so cùng kỳ như: Sản phẩm gỗ (+17,79%); hàng dệt may (+2,41%); giày dép các loại (+5,05%); máy tính điện tử (+7,69%); máy móc thiết bị và dụng cụ (+4,4%); xơ sợi các loại (+4,48%) ...

Thị trường xuất khẩu 5 tháng tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 2.826 triệu USD, chiếm 30,52%; Nhật Bản đạt 913,4 triệu USD, chiếm 9,87%; Trung Quốc đạt 844,3 triệu USD, chiếm 9,12%; Hàn Quốc ước đạt 522,8 triệu USD, chiếm 5,65%...

Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 năm 2024 ước đạt 1.425,14 triệu USD, tăng 2,16% so tháng trước và tăng 3,11% so tháng cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6.451,85 triệu USD, tăng 1,82% so cùng kỳ, trong đó: Kinh tế nhà nước giảm 4,08%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 4,78%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,39%. Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu tăng thấp do ảnh hưởng của năm 2023 đơn hàng sản xuất giảm mạnh, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất hàng hoá dự trữ phục vụ xuất khẩu cho đầu năm 2024 nên nhập khẩu nguyên liệu hạn chế.

Một số nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so cùng kỳ như: Thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 20,18%; chất dẻo (Plastic) nguyên liệu tăng 2,85%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 12,41%; xơ, sợi dệt các loại tăng 10,54%; vải các loại tăng 7,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 20,7%; máy tính, sản phẩm điện tử và kinh kiện tăng 32,23%...

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh ước đạt 1.946,2 triệu USD, chiếm 30,16%; Hàn Quốc ước đạt 895,4 triệu USD, chiếm 13,88%; Nhật Bản ước đạt 490,5 triệu USD, chiếm 7,6%; Hoa Kỳ đạt 443,8 triệu USD, chiếm 6,88%...

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất siêu trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.833,6 triệu USD. Bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 560 triệu USD.

5.4. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải tháng 5 năm 2024 tăng khá so cùng kỳ, do nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất tăng, bên cạnh đó nhiều dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng. Cụ thể từng lĩnh vực vận tải như sau:

Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 5 ước đạt 7,28 triệu hành khách, giảm 1,18% so với tháng trước, tăng 17,45% so với tháng cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 435 triệu hành khách.km, giảm 1,15% so với tháng trước, tăng 19,62% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng vận chuyển hành khách ước đạt 36,8 triệu hành khách, tăng 10,96%; luân chuyển ước đạt 2.186,61 triệu hành khách.km tăng 10,68% so cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hành khách tháng 5 đạt 420 tỷ đồng, giảm 1,05% so tháng trước và tăng 24,5% so tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.100,3 tỷ đồng, tăng 16,59% so cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 5 ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 16,73% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 699,2 triệu tấn.km, tăng 1,07% so với tháng trước và tăng 17,62% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng khối lượng vận chuyển ước đạt 40,14 triệu tấn, tăng 14,4%; khối lượng luân chuyển đạt 3.440,4 triệu tấn.km, tăng 15,42% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hàng hoá tháng 5 đạt 1.866,4 tỷ đồng, tăng 1,14% so tháng trước và tăng 19,5% so tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 9.176,78 tỷ đồng, tăng 17,67% so cùng kỳ.

Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5 ước đạt 955 tỷ đồng tăng 1,25% so với tháng trước và tăng 16,02% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng ước đạt 4.701,1 tỷ đồng, tăng 14,28% so cùng kỳ.

6) Hoạt động Ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/5/2024 đạt 324.280 tỷ đồng, tăng 1,06% so với đầu năm. Bao gồm: Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.810 tỷ đồng, tăng 6,24%; Tiền gửi ước đạt 321.470 tỷ đồng, tăng 1,02% (Trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 303.820 tỷ đồng, tăng 1,21%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 17.650 tỷ đồng, giảm 2,23% so với đầu năm).

Lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; mức 2,0-2,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; mức 5,0-5,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; mức 6,2-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và mức 7,1-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Hoạt động tín dụng: Dự ước đến 31/5/2024 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 385.860 tỷ đồng, tăng 6,14% so với đầu năm (nợ xấu ước chiếm 1,77% trên tổng dư nợ cho vay). Bao gồm: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 1.530 tỷ đồng, giảm 7,22%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 384.330 tỷ đồng, tăng 6,2% so đầu năm (Trong đó: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 240.120 tỷ đồng, tăng 9,4%; Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 144.210 tỷ đồng, tăng 1,26%).

Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,5-9,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,2 - 5,1%/năm đối với ngắn hạn; mức 6,5 - 7,3%/năm đối với trung và dài hạn.

II. VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Trong tháng 5/2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các đơn vị tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị như: Biểu diễn chương trình Tuyên truyền lưu động phục vụ cơ sở với chủ đề “Miền Nam nhớ mãi ơn Người" - Chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 138 năm ngày Quốc tế lao động (01/5/1886-01/5/2024) và kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) tại các huyện. Tổng số buổi biểu diễn: 18 buổi, phục vụ cho khoảng 5.400 lượt xem. Biểu diễn nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, biểu diễn theo hình thức livestream Chương trình “Ngày Chiến thắng" phục vụ nhu cầu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của Nhân dân

Hoạt động thể thao trong tháng tập trung tổ chức và tham gia các giải: Tổ chức giải Vô địch Việt dã truyền thống mở rộng năm 2024 tại Văn Miếu Trấn Biên; Tổ chức và tham gia Giải Bóng đá hạng Nhất quốc gia – Bia Sao vàng 2023/2024 trên Sân vận động Đồng Nai; Tổ chức giải Vô địch Billiards tỉnh Đồng Nai – tranh Cúp CLB Billiards Thanh Tú năm 2024 tại huyện Trảng Bom; Tổ chức giải Vô địch các CLB Bóng đá sân 11 người tại Sân vận động tỉnh; Tổ chức giải Vô địch và vô địch trẻ Thể hình các Câu lạc bộ tỉnh Đồng Nai năm 2024 tại Sân quần vợt mái che. Tham gia Cuộc đua Xe đạp về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân; Tham gia 17 giải khác, đạt 102 huy chương (31 HCV, 34 HCB, 37 HCĐ). Tham gia giải Vô địch Karate Cụm thi đua số 10 mở rộng năm 2024.

 2. Y tế

* Tình hình dịch bệnh: Tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, các đơn vị y tế thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và hóa chất đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.

Dịch Covid-19: Từ ngày 19/4 - 19/5/2024 ghi nhận 04 ca mắc, tăng 01 ca so với tháng trước. Các ca nhiễm đều được giám sát, xử lý kịp thời đúng quy định, không lây lan thành ổ dịch lớn; tính từ đầu năm đến nay ghi nhận 64 ca mắc, không ghi nhận ca mắc tử vong.

Sốt xuất huyết: ghi nhận 118 ca mắc, giảm 23,87% so với tháng trước và giảm 17,48% so với tháng cùng kỳ, ghi nhận 01 ca tử vong. Tay chân miệng: ghi nhận 473 ca mắc, gấp 3,2 lần so với tháng trước và gấp 2,1 lần so với tháng cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, sốt rét, ho gà, uốn ván, tả, thương hàn, cúm.... trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 5/2024 đã thực hiện 1.771 lượt kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm trên 11.875 tổng số cơ sở, trong đó: 1.601 cơ sở đạt (chiếm 90,4%), số cơ sở vi phạm là 170, nhắc nhở 167 cơ sở.

Tình hình ngộ độc thực phẩm: Từ ngày 19/4/2024 đến 19/5/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm: Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại tiệm bánh mì B, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai vào ngày 30/4/2024 với 555 ca mắc, trong đó có 06 ca nặng và 02 ca rất nặng, chưa ghi nhận ca mắc tử vong. Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam ngày 15/5/2024 với 95 ca mắc, không ghi nhận ca nặng. Tính từ đầu năm đến nay xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 664 ca mắc, trong đó có 06 ca nặng và 02 ca rất nặng, chưa ghi nhận ca mắc tử vong.

3. Giáo dục

Một số hoạt động giáo dục trọng tâm trong tháng 5/2024:

Hoàn thành công tác kiểm tra cuối học kì II và hoàn thành chương trình năm học 2023-2024; Tiếp tục biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Tiếp tục thẩm định Kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, Kế hoạch dạy tăng cường tiếng Anh đối với các trường THPT. Chuẩn bị công tác phối hợp tập huấn giới thiệu sách giáo khoa các khối lớp 5, lớp 9, lớp 12. Kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo đề nghị của các đơn vị. Tổ chức thi và chấm thi tốt nghiệp chương trình song ngữ tiếng Pháp cấp THCS. Thẩm định hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài các bậc học; tổ chức đánh giá ngoài các đơn vị bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT; thu nhận báo cáo của các đơn vị về kết quả kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2023 – 2024. Thẩm tra, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo một cửa liên thông. Đoàn học sinh tỉnh Đồng Nai tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp khu vực (Khu vực IV) năm 2024, tại tỉnh Đắk Lắk với 189 vận động viên tham dự; kết quả: đạt 03 Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc và 46 huy chương đồng; xếp thứ 3 toàn đoàn.

Công tác thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025: Chuẩn bị công tác ra đề thi, dữ liệu thi, Hội đồng thi, địa điểm thi, lãnh đạo, cán bộ coi thi.

Chuẩn bị công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Phương án tổ chức thực hiện kỳ thi, Chỉ thị về việc tổ chức kỳ thi, Quyết định thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cấp tỉnh. Tham mưu ban hành Quyết định thành lập các Tổ công tác hồ sơ tốt nghiệp THPT năm 2024; xây dựng dự thảo văn bản về địa điểm thi, Hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2024; phát hành văn bản hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2024; đăng ký lịch họp Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét duyệt hồ sơ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thí sinh tự do chưa tốt nghiệp; tiếp nhận danh sách giáo viên THCS coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024; phối hợp với Thanh tra Sở kiểm tra điều kiện dự thi các đơn vị.

Công tác Giáo dục mầm non: Hoàn thành tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc học mầm non năm học 2023-2024. Kiểm tra thẩm định trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo đề nghị của các đơn vị. Hướng dẫn báo cáo thống kê, báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 và báo cáo các chuyên đề về giáo dục mầm non tại các huyện, thành phố.

4. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Trong tháng 5/2024, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 11.051 lượt người. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 là 42.675 lượt người, đạt 53,34% kế hoạch năm, tăng 10,16% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 5, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 6.259 học viên, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 có 27.890/65.500 học viên, đạt 42,91% kế hoạch năm, tăng 0,64% so với cùng kỳ. Trong tháng các trường và Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tốt nghiệp và có chứng chỉ 6.031 học viên, lũy kế 5 tháng đầu năm có 25.590/60.000 học viên tốt nghiệp, đạt 42,65% so với kế hoạch năm, tăng 0,92% so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 5/2024 đã tiếp nhận 6.884 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, luỹ kế 5 tháng có 21.634 hồ sơ, giảm 17,18% so với cùng kỳ; đã ban hành 6.447 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, luỹ kế 5 tháng có 20.254 quyết định, giảm 1,4% so với cùng kỳ; tư vấn và giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp 6.934 lượt người, luỹ kế 5 tháng có 21.879 lượt người; hỗ trợ học nghề cho 69 người, luỹ kế 5 tháng là 386 người.

Cục Thống Kê Đồng Nai

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỤC THỐNG KÊ TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: Đường Đồng khởi, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: (0251)3.822.419; Fax: (0251)3.819.047
Email: ctk@dongnai.gov.vn
Ghi rõ nguồn "thongke.dongnai.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này​



Chung nhan Tin Nhiem Mang