Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 năm 2024

I. KINH TẾ

1. Sn xut công nghip

Tháng 11, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá ở các ngành trọng điểm của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới gia tăng sản xuất đáp ứng yêu cầu khách hàng trong những tháng cuối năm; thị trường xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước ổn định.

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2024 tăng 9,42% so tháng 11/2023 và tăng 1,14% so tháng trước, Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 7,95% so cùng kỳ; mức tăng 11 tháng năm nay cao hơn nhiều so với 11 tháng năm 2023 (11 tháng năm 2023 tăng 4,95%) nhưng vẫn thấp hơn so với 8,27% của 11 tháng năm 2022; trong đó ngành khai khoáng tăng 4,87%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,04%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 6,44%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 8,45%. 

Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2024 có mức tăng khá so cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm 5,47%; Dệt tăng 5,79%; May mặc tăng 7,55%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,73%; Sản xuất hóa chất tăng 6,07%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,08%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,18% v.v… một số ngành sản xuất khác tăng khá cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,59%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng10,39%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,38%; Sản xuất thiết bị điện tăng 8,71%, Sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 8,7%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 9,88%…

- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Dự ước 11 tháng có 22/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Đá xây dựng các loại 17.717,8 nghìn m3, tăng 4,86%;  Bột ngọt đạt 264,3 nghìn tấn, tăng 8,32%; Thuốc lá sợi đạt 15.462 tấn, tăng 7,7%; Sợi các loại 2.010,3 ngàn tấn, tăng 4,56%; Vải các loại 542,1 triệu m2, tăng 2,61%; Quần áo may sẵn đạt 243,6 triệu cái, tăng 8,75%; Giày dép các loại 408,5 triệu đôi, tăng 4%; Sản phẩm kim loại 445 ngàn tấn, tăng 10,53%; Giường, tủ, bàn, ghế đạt 10.396,8 nghìn chiếc, tăng 12%… Nguyên nhân 11 tháng năm 2024 hầu hết các ngành sản xuất đều tăng là do đơn hàng sản xuất tăng, thị trường xuất khẩu khá thuận lợi, giá xuất khẩu tăng so cùng kỳ, thị trường trong nước đang có xu hướng tăng.

- Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Tháng 11/2024 giảm 5,1% so với tháng 10/2024 và tăng 3,9% so với tháng cùng kỳ. Nguyên nhân chỉ số tiêu thụ tháng 11 giảm so tháng 10 là do doanh nghiệp sản xuất hàng nhưng chờ sản xuất đủ đơn hàng với số lượng lớn sau đó mới tiến hành xuất tiêu thụ; mặt khác những tháng cuối năm các Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán, sắp tới có chủ trương đẩy mạnh sản xuất hàng hóa dự trữ phục vụ Tết. 

- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 11 năm 2024 tăng 0,42% so với tháng trước và tăng 8,71% so tháng cùng kỳ, trong đó: Doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,23% so tháng trước và giảm 18,74% so tháng cùng kỳ; Doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,43% và tăng 7,82% so tháng cùng kỳ; Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 0,43% và tăng 9,42% so tháng cùng kỳ. Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động tháng 11 tăng do các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng sản xuất cuối năm, do đó nhu cầu tuyển dụng lao động tăng, tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản

a) Nông nghiệp

Cây hàng năm: Tình hình sản xuất cây hàng năm tương đối thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, chống hạn, chống ngập úng ở cây trồng, nên giảm thiểu được thiệt hại. Tuy nhiên do thời tiết nắng nóng ở thời điểm vụ Đông Xuân, một số diện tích bị thiếu nước, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước cả năm 2024 là 140.865,7 ha, giảm 800 ha (-0,56%) so với cùng kỳ, cụ thể một số cây chủ yếu như sau:

Diện tích Lúa đạt 50.846,7 ha, giảm 1%, trong đó vụ Đông Xuân là 15.506,1 ha, tăng 1,53%; vụ Hè Thu là 18.510,5 ha, giảm 1,73%; ước vụ Mùa là 16.830,1 ha, giảm 2,44% so cùng kỳ. Nguyên nhân diện tích Lúa giảm ở vụ Hè Thu và vụ Mùa là do người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái có năng suất cao theo định hướng phát triển của địa phương, mặt khác một số diện tích phải trả mặt bằng cho các dự án khu dân cư và dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn. Diện tích cây Bắp là 33.860 ha, giảm 3,38%; Diện tích Khoai lang đạt 249,3 ha, tăng 11,17%; Mía đạt 2.898,5 ha, tăng 5,21%; Đậu tương đạt 284,4 ha, tăng 1,07% so cùng kỳ; Diện tích Lạc đạt 989,1 ha, giảm 9,46%; Rau các loại là 17.910,1 ha, tăng 0,15%; Diện tích đậu các loại đạt 3.614 ha, giảm 2,32% so cùng kỳ.

Dự ước sản lượng thu hoạch cây trồng năm 2024 so với cùng kỳ như sau: Sản lượng lúa đạt 310.104,6 tấn, giảm 0,07%; Bắp đạt 255.541,4 tấn, giảm 0,32%, nguyên nhân do giảm diện tích gieo trồng; Khoai lang đạt 2.741 tấn, tăng 12,38%, do được trồng trên diện tích mới nên năng suất cao; Mía đạt 213.578 tấn, tăng 8,94%; Đậu tương đạt 484,4 tấn, tăng 1,07%; Lạc đạt 1.844,2 tấn, giảm 17,06%; Sản lượng rau các loại đạt 269.817 tấn, tăng 2,08%; Sản lượng đậu/đỗ các loại đạt 5.193 tấn, giảm 0,24% so cùng kỳ.

Cây lâu năm: 

Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong 11 tháng năm 2024 so cùng kỳ như sau: Xoài đạt 109.216 tấn, tăng 1,63%; Chuối đạt 343.490 tấn, tăng 67,49%; Thanh Long đạt 15.356 tấn, tăng 2,46%; Bưởi đạt 87.213 tấn, tăng 2,69%; Chôm Chôm đạt 152.901 tấn, tăng 0,41%.... Sản lượng Điều đạt 43.549 tấn, tăng 0,96%; Tiêu đạt 26.833 tấn, tăng 0,41%; Sản lượng mủ Cao Su đạt 38.348 tấn, tăng 1,67%, do giá thu mua mủ cao su tại Đồng Nai có xu hướng tăng, việc mở cửa biên giới cũng là cơ hội tốt cho xuất khẩu cao su hồi phục, nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc cũng đang tăng nên người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp đã đầu tư chăm sóc để năng suất tăng cao hơn.

Chăn nuôi: 

Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 11/2024 là 2.200.912 con, tăng 0,04% so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.977 con, tăng 4,08%; Bò đạt 110.399 con, tăng 3,89%; Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò đầu tư thêm con giống để nuôi; Đàn lợn đạt 2.086,54 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 0,16% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn lợn giảm là do việc đẩy mạnh hoạt động kiểm tra về môi trường, kiên quyết di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư khiến nhiều trang trại phải tạm ngừng hoặc ngưng chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng đến tổng đàn khiến nguồn cung thịt giảm, giá các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giá thịt lợn tăng lên.

Sản lượng thịt gia súc 11 tháng/2024 tăng khá so cùng kỳ, dự ước thịt trâu đạt 394,86 tấn, tăng 4,33%; thịt bò đạt 6.146,21 tấn, tăng 2,97%; thịt lợn đạt 481.652,85 tấn, tăng 4,9% so cùng kỳ. Mặc dù tổng đàn lợn giảm nhưng sản lượng tăng so cùng kỳ do nguồn thực phẩm này vẫn được thị trường xã hội tiêu thụ mạnh người chăn nuôi chú trọng đến kỹ thuật nuôi, đầu tư thức ăn nâng cao trọng lượng bình quân xuất chuồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang hoàn thiện hơn chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, linh động trong khâu phân phối ra thị trường, đồng thời cũng đang nâng cấp quy trình sản xuất, chất lượng để sản phẩm đủ chuẩn tham gia thị trường xuất khẩu.

Tổng đàn gia cầm có đến thời điểm tháng 11/2024 là 23.987,24 nghìn con, giảm 1,94% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 20.868,31 nghìn con, giảm 1,93%. Nguyên nhân đàn gà giảm là do việc di dời các hộ chăn nuôi vi phạm về môi trường hoặc nuôi trong khu vực dân cư, bắt buộc ngừng để khắc phục tình trạng môi trường. Sản lượng thịt gia cầm 11 tháng ước đạt 156.164 tấn, giảm 11,98%, trong đó sản lượng thịt gà ước đạt 133.196 tấn, giảm 11,77% so cùng kỳ.

b) Lâm nghiệp

Trong tháng 11/2024 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 36.447 m3, tăng 2,03% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 11 tháng đạt được 296.800 m3, tăng 2,94% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác trong tháng 11/2024 ước đạt 629 ste, tăng 6,84% so tháng cùng kỳ; ước 11 tháng đạt 3.942 ste, giảm 0,5% so với cùng kỳ.

c) Thủy sản

Dự ước sản lượng thủy sản trong tháng 11/2024 đạt 8.144,4 tấn, tăng 5,83% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đạt 80.171,4 tấn, tăng 4,58% so cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng thủy sản tăng là do nhu cầu thị trường tiêu thụ xã hội ổn định, các sản phẩm thủy sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều, giá bán sản phẩm thủy sản tăng cao, do đó mà nhiều hộ gia đình chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng, chăm sóc con giống, vật nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh nên sản lượng thủy sản 11 tháng tăng khá so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng khai thác đạt 7.098,2 tấn, giảm 0,47% (sản lượng cá ước đạt 6.144 tấn, giảm 0,41%; tôm đạt 457,4 tấn, giảm 1%; thủy sản khác đạt 496,8 tấn, giảm 0,7%); Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 11 tháng ước đạt 73.073,2 tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ (sản lượng cá ước đạt 62.376,3 tấn, tăng 5,29%; tôm đạt 9.140,6 tấn, tăng 4,32%; thủy sản khác đạt 1.556,3 tấn, tăng 2,31%).

3. Vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách Nhà nước và Thu hút đầu tư, đăng ký doanh nghiệp

Dự ước thực hiện vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 năm 2024 đạt 2.578,4 tỷ đồng, tăng 23,11% so với tháng 10 năm 2024. Dự tính 11 tháng năm thực hiện 13.859,9 tỷ đồng, tăng 45,61% so cùng kỳ và bằng 66,96% so kế hoạch năm 2024.

​- Đầu tư trược tiếp nước ngoài (FDI): Từ đầu năm đến ngày 20/11/2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.418,78 triệu USD, tăng 33,91% so cùng kỳ, trong đó: cấp mới 85 dự án với tổng vốn đăng ký 729,83 triệu USD, tăng gấp 2,3 lần so cùng kỳ và 115 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 688,95 triệu USD, giảm 7,11% so cùng kỳ năm 2023. 

- Phát triển doanh nghiệp: Từ đầu năm đến ngày 15/11/2024, tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn là 93.372 tỷ đồng, tăng 59,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Có 4.145 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 52.245 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so cùng kỳ; Có 1.055 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung với số vốn là 41.127 tỷ đồng, tăng 26,89% so cùng kỳ. Ngoài ra có 1.669 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ đầu năm đến ngày 15/11/2024, có 597 doanh nghiệp giải thể, tăng 26,2% so với cùng kỳ; có 706 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 1,1%; và 1.941 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 24,3%. 

4. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

4.1. Thương mại dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 năm 2024 ước đạt 26.356,2 tỷ đồng, tăng 2,31% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 270.962,4 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước ước đạt 15.434,6 tỷ đồng, tăng 12,35%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 248.840,7 tỷ đồng, tăng 12,95%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.687 tỷ đồng, tăng 16,06%. Phân theo ngành hoạt động như sau:

a) Bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 ước đạt 18.817,8 tỷ đồng, tăng 2,62% so với tháng trước và tăng 12,85% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng, tổng doanh thu bán lẻ ước đạt 193.355 tỷ đồng, tăng 11,57% so với cùng kỳ. Nhóm ngành hàng bán lẻ duy trì được mức tăng so cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm tăng 7,65%, hàng may mặc tăng 12,57%, đồ dùng gia đình tăng 5,93%, vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,34%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 22,47%, xăng, dầu các loại tăng 19,81%. 

b) Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11 ước đạt 2.883 tỷ đồng, tăng 1,71% so với tháng trước và tăng 19,57% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 29.611,3 tỷ đồng, tăng 20,18% so với cùng kỳ, trong đó: Dịch vụ lưu trú, tăng 25,48%, dịch vụ ăn uống, tăng 20,12%.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 11 ước đạt 8,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,74% so với tháng trước. Do thời điểm cuối năm, nhu cầu du lịch trong nước không còn cao như mùa hè hay các kỳ nghỉ lễ, người dân có xu hướng tập trung vào công việc, học tập và chuẩn bị cho các dịp nghỉ lễ cuối năm. Lũy kế 11 tháng, doanh thu du lịch, lữ hành ước đạt 88 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào các hoạt động kích cầu du lịch diễn ra sôi động trong mùa cao điểm.

c) Hoạt động dịch vụ khác

Doanh thu các dịch vụ khác tháng 11 ước đạt 4.593 tỷ đồng, tăng 1,42% so với tháng trước và tăng 16,67% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng, doanh thu các dịch vụ khác ước đạt 47.908 tỷ đồng, tăng 14,65% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng đáng kể, trong đó: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 19,22%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 11,25% do nhu cầu tăng hỗ trợ kinh doanh, tư vấn pháp lý, thuế và dịch vụ văn phòng tăng; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 21,07%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 10,1%...

4.2. Giá cả thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng nhẹ so tháng trước chủ yếu tăng ở một số nhóm ngành như: Xăng, nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa, giải trí và du lịch. Cụ thể:

So với tháng trước, CPI tháng 11/2024 tăng 0,38%. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 3,48%; nông thôn tăng 0,44%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 03 nhóm hàng hoá có chỉ số giá giảm; 07 nhóm hàng hoá có chỉ số giá tăng; 01 nhóm hàng hoá có chỉ số ổn định so với tháng trước. Trong đó

So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 11/2024 tăng 3%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá, trong đó tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 8,59%; tăng thấp nhất nhóm may mặc, nón mũ, giày dép, tăng 0,08%. Có 02 nhóm giảm là giao thông giảm 3,85% và bưu chính viễn thông giảm 0,38% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá bình quân 11 tháng so cùng kỳ, tăng 2,97%. Trong 10 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất nhóm thuốc và dịch vụ y tế (+8,28%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+3,62%); giáo dục (+3,74%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+3,02%); văn hoá giả trí và du lịch (+2,01%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,43%); đồ uống và thuốc lá (+1,07%); giao thông (+0,8%); may mặc, mũ nón và giày dép (+0,12%). Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,14%.

Trong tháng 11/2024, giá vàng có xu hướng giảm. So với tháng trước, giá vàng giảm 4,56% và tăng 38,89% so với cùng kỳ tháng 11 năm 2023. Bình quân 11 tháng giá vàng tăng 32,13% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 11 tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 4,45% so với tháng 11 năm 2023. Bình quân 11 tháng, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 2.118,6 triệu USD, tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 15,66% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng so với tháng trước như: Hạt điều tăng 2,33%, cà phê tăng 3,41%, hạt tiêu tăng 0,27%; Sản phẩm gỗ tăng 0,47%; hàng dệt, may tăng 3,61%; giày dép tăng 0,73%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,01%...

Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 21.784,8 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu từ khu vực kinh tế nhà nước tăng 6,28%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 8,78% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,09%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có mức tăng trưởng đáng kể như: Hạt điều tăng 39,6%, cà phê tăng 39,5%, sản phẩm gỗ tăng 31,26%, hàng dệt may tăng 10,38%, giày dép tăng 4,55%, máy vi tính tăng 8,33%, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng tăng 9,22%, xơ, sợi dệt các loại tăng 7,18%...

Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 6.946,4 triệu USD, chiếm 31,89% tổng xuất khẩu; Nhật Bản đạt 2.108,4 triệu USD, chiếm 9,68%; Trung Quốc đạt 2.054 triệu USD, chiếm 9,43%; Hàn Quốc đạt 1.198,3 triệu USD, chiếm 5,5%... Các thị trường này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 11 năm 2024 ước tính đạt 1.513,2 triệu USD, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 15.719 triệu USD, tăng 9,75% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng do sản xuất và tiêu thụ trong nước có dấu hiệu phục hồi tích cực, nên các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng so cùng kỳ như: Chất dẻo nguyên liệu tăng 11,67%, cao su tăng 24,17%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20,25%, xơ sợi dệt tăng 18,89%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 21,2%; máy vi tính, linh kiện điện tử tăng 27,8%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 15,2%...

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.890 triệu USD, chiếm 31,1%, tiếp theo là Hàn Quốc (2.098 triệu USD), Nhật Bản (1.044 triệu USD), Hoa Kỳ (867,6 triệu USD)…

11 tháng năm 2024, toàn tỉnh xuất siêu ước đạt 6.066 triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 551 triệu USD.

4.4. Giao thông vận tải

Tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 11 năm 2024 ước đạt 3.309,6 tỷ đồng, tăng 2,49% so tháng trước và tăng 16,23% so cùng tháng năm trước. Lũy kế 11 tháng ước đạt 34.929,4 tỷ đồng, tăng 15,34% so cùng kỳ. Trong đó:

+ Doanh thu vận tải hành khách tháng 11 ước đạt 412,8 tỷ đồng, tăng 0,86% so tháng trước và tăng 20% so cùng tháng năm trước. Luỹ kế 11 tháng ước đạt 4.506,7 tỷ đồng, tăng 17,5% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách trong tháng 11 ước đạt 7 triệu lượt khách, tăng 0,53% so tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng vận chuyển hành khách ước đạt 77,9 triệu lượt khách, tăng 10,9% so cùng kỳ. Luân chuyển hành khách tháng 11 ước đạt 418,4 triệu hành khách.km tăng 0,55% so tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ, lũy kế 11 tháng ước đạt 4.645,2 triệu hành khách.km tăng 11,94% so với cùng kỳ.

+ Doanh thu vận tải hàng hoá tháng 11 ước đạt 1.924,6 tỷ đồng, tăng 2,88% so tháng trước và tăng 17,25% so cùng tháng năm trước. Luỹ kế 11 tháng doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 20.130,4 tỷ đồng, tăng 16,15% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa tháng 11 ước đạt 8,3 triệu tấn, tăng 2,41% so với tháng trước và tăng 13,4% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng ước đạt 87,5 triệu tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Luân chuyển hàng hóa tháng 11 ước đạt 708,7 triệu tấn.km, tăng 2,45% so tháng trước và tăng 13,8% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng ước đạt 7.505,5 triệu tấn.km, tăng 13,88% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 11 ước đạt 972,3 tỷ đồng, tăng 2,43% so với tháng trước và tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng, doanh thu từ kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt khoảng 10.292,3 tỷ đồng, tăng 12,86% so với cùng kỳ năm trước.

5. Tài chính – Ngân hàng

a) Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước (đã loại trừ hoàn thuế GTGT) 11 tháng năm 2024 ước đạt 39.835,96 tỷ đồng, tăng 9,26% so với cùng kỳ. Trong đó:

- Thu nội địa ước đạt 37.618,36 tỷ đồng, tăng 7,87% so cùng kỳ; một số khoản thu tăng khá so cùng kỳ như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 3.570,53 tỷ đồng, tăng 8,88%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 5.833,44 tỷ đồng, tăng 10,39%; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 13.383,49 tỷ đồng, tăng 19,64%; thuế thu nhập cá nhân 6.219,02 tỷ đồng, tăng 12,32% so với cùng kỳ.

- Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu (đã loại trừ hoàn thuế GTGT) ước đạt 2.146,75 tỷ đồng, tăng 57,29% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2024 ước đạt 34.627,66 tỷ đồng, tăng 32,01% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 18.436,61 tỷ đồng, tăng 73,34% (chủ yếu chi đầu tư cho các dự án theo các lĩnh vực 17.805,32 tỷ đồng, tăng 96,92%); Chi thường xuyên đạt 16.075,67 tỷ đồng, tăng 14,92% so với cùng kỳ.

b) Hoạt động Ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 30/11/2024 đạt 348.458 tỷ đồng, tăng 8,59% so với cuối năm 2023. Bao gồm: Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 3.080 tỷ đồng, tăng 15,69%; Tiền gửi ước đạt 345.378 tỷ đồng, tăng 8,53% (trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 323.359 tỷ đồng, tăng 7,72%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 22.019 tỷ đồng, tăng 21,79%).

Dự ước đến 30/11/2024 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 403.790 tỷ đồng, tăng 10,07% so với cuối năm 2023 (nợ xấu ước chiếm 1,85% trên tổng dư nợ cho vay). Bao gồm: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 1.580 tỷ đồng, giảm 4,18%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 402.210 tỷ đồng, tăng 11,14% (trong đó: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 252.658 tỷ đồng, tăng 15,12%; Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 149.552 tỷ đồng, tăng 5,01%).

II. VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Trong tháng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các đơn vị tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị như: Trang trí tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh bằng nhiều hình thức: Thực hiện bộ maket tuyên truyền; treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ nội dung, cờ phướn, băng rôn; thay đổi nội dung pano hộp đèn, thay đổi nội dung pano cố định, thay đổi nội dung pano cụm; đĩa CD, tranh cổ động... 

 Về thể dục thể thao trong tháng: Các Đội tuyển Đồng Nai tham gia 31 giải quốc tế và trong nước, đạt tổng cộng đạt 159 Huy chương (48 HCV, 37 HCB, 59 HCĐ), trong đó: Tham gia 08 giải quốc tế, đạt 14 Huy chương (06 HCV, 03 HCB, 05 HCĐ). Tham gia 21 giải quốc gia, đạt 140 huy chương (47 HCV, 36 HCB, 57 HCĐ). Tham gia 02 giải cụm, khu vực, mở rộng đạt 05 huy chương (03 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ).

2. Y tế

Sốt xuất huyết: trong tháng ghi nhận 991 ca mắc, tăng 2,57 lần so với tháng cùng kỳ, không có ca tử vong; lũy kế 11 tháng ghi nhận 5.630 ca, tăng 37,08% so cùng kỳ, có 01 ca tử vong. Tay chân miệng: ghi nhận 323 ca mắc, lũy kế 11 tháng ghi nhận 4.533 ca, giảm 53,47% so cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Sởi: ghi nhận 687 ca mắc, tăng 2,33 lần so với tháng trước; lũy kế 11 tháng ghi nhận 1.097 ca, tăng 1.094 ca so cùng kỳ, không có ca tử vong. Một số dịch bệnh khác như: Sốt rét, ho gà, uốn ván, tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, cúm.... trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

3. Giáo dục

Công tác Giáo dục phổ thông: Kiểm tra, đánh giá và đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia tại 04 trường tiểu học, 03 trường THCS, 04 trường THPT; đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong hệ thống các trường công lập ở bậc tiểu học đạt 73,36%, THCS đạt 80,56%, THPT đạt 71,43%. Kiểm tra, giám sát công tác coi thi chọn học sinh vào đội dự tuyển của tỉnh dự thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025; Kiểm tra hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ IELTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

4. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Trong tháng 11/2024, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 4.484 lượt người. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay là 92.427 lượt người, đạt 115,68% kế hoạch năm, tăng 10,22% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 11, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 4.507 học viên; Lũy kế từ đầu năm trên địa bàn tỉnh đã tuyển mới 66.029 học viên, đạt 101,58% kế hoạch năm, tăng 0,55% so với cùng kỳ. Các trường và Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tốt nghiệp và có chứng chỉ cho 8.121 học viên; Lũy kế 11 tháng có 61.783 học viên tốt nghiệp, đạt 102,97% so với kế hoạch năm, tăng 1,77% so với cùng kỳ.

CỤC THỐNG KÊ ĐỒNG NAI

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỤC THỐNG KÊ TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: Đường Đồng khởi, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: (0251)3.822.419; Fax: (0251)3.819.047
Email: ctk@dongnai.gov.vn
Ghi rõ nguồn "thongke.dongnai.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này​



Chung nhan Tin Nhiem Mang