Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 6 năm 2023

Sáu tháng đầu năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến không thuận lợi, khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra đã ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng. Các cấp, các ngành, doanh nghiệp đã tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 đã đề ra. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh nói chung đang gặp không ít khó khăn, do thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm v.v... vì vậy ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm và ước tính tháng 6/2023, Cục Thống kê dự ước tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 như sau:

A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP):

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê công bố ngày 29 tháng 5 năm 2023, Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 115.948,53 tỷ đồng, tăng 4,01% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm (Mục tiêu cả năm 2023 từ 7,5-8,5%). Trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,62%; Công nghiệp - xây dựng tăng 3,14% (trong đó công nghiệp tăng 2,28%); Dịch vụ tăng 6,9% và Thuế sản phẩm tăng 2,13%. Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 tăng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 6 tháng đầu năm 2022 (6T/2022 tăng 5,66%). Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng tuy nhiên mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng rất thấp, tăng 3,14% (ngành công nghiệp chỉ tăng 2,28%; xây dựng tăng 15,27%), trong khi khu vực này chiếm cơ cấu xấp xỉ 60% GRDP nên ảnh hưởng mức tăng trưởng chung. Tuy nhiên trong điều kiện hết sức khó khăn trong 6 tháng đầu năm đạt được mức tăng trưởng như trên là kết quả tích cực. Nguyên nhân đạt kết quả như trên: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh; Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính Phủ về nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội triển khai Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong giai đoạn chịu ảnh hưởng xấu của kinh tế thế giới, khai thác tối đa thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, mặt khác các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã phát huy tác dụng, hiệu quả, tạo động lực khôi phục phát triển kinh tế.

Với mức tăng chung 4,01% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,62%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm. Với mức tăng này cho thấy sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định và giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023 ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chịu áp lực do sản xuất cung lớn hơn cầu, thị trường tiêu thụ có xu hướng giảm hơn vì kinh tế khó khăn, chăn nuôi heo giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; thị trường nội địa đang quá tải vì sản phẩm chăn nuôi không xuất khẩu được như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng phải tạm ngừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, …

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,14%, đóng góp 1,28 điểm phần trăm, trong đó công nghiệp tăng 2,28%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn nên tăng trưởng thấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế (chiếm 92,11% toàn ngành), với mức tăng 2,69%, đây là mức tăng giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp – xây dựng thấp nhất so với cùng kỳ các năm qua của tỉnh (6T/2021 tăng 6,74%; 6T/2022 tăng 5,75%) ([1]); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 2,63%, làm giảm 0,1% mức tăng trưởng chung. Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,34% đóng góp không đáng kể vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 1,65 điểm phần trăm, đây là khu vực tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2023. So với cùng kỳ các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí hoạt động bình thường, có mức tăng trưởng khá đã góp phần vào tăng trưởng khu vực dịch vụ. Tuy nhiên do sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn, ảnh hưởng của lạm phát thế giới, chi phí vận tải, tiền thuê nhân công, các khâu logistics vẫn ở mức cao, trong khi sức mua trên thị trường sụt giảm do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập người dân giảm sút… đã tác động đến hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Thuế sản phẩm tăng 2,23%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.

2) Hoạt động ngân hàng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 60 chi nhánh ngân hàng (của 42 ngân hàng), 221 phòng giao dịch trực thuộc và 22 chi nhánh ngân hàng cấp 2; 34 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); 05 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP).

Kết quả huy động vốn và hoạt động tín dụng trên địa bàn như sau:

Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 30/06/2023 đạt 293.258 tỷ đồng, tăng 1,92% so đầu năm. Trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 272.158 tỷ đồng, tăng 2,5% so đầu năm; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 18.200 tỷ đồng, giảm 6,5% so đầu năm.

Lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của Ngân hàng Thương mại trong nước ở mức 0,2-0,3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; mức 5,3- 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; mức 7,1-8,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; mức 6,8-8,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và mức 7,1- 8,3%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ tiếp tục duy trì ở mức 0%.

Tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đến 30/06/2023 ước đạt 356.359 tỷ đồng, tăng 6,97% so với đầu năm (trong đó nợ xấu ước chiếm 1,3% trên tổng dư nợ cho vay). Trong đó: Tổng dư nợ cho vay ước đạt: 354.100 tỷ đồng, tăng 7,01% so đầu năm, bao gồm: dư nợ ngắn hạn đạt 214.050 tỷ đồng, tăng 10,22% so đầu năm; dư nợ trung, dài hạn ước đạt 140.050 tỷ đồng, tăng 2,45% so đầu năm.

Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6-11,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN. Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,4 - 5,7%/năm đối với ngắn hạn; mức 6,1-6,4%/năm đối với trung và dài hạn.

3. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn: Ảnh hưởng sung đột giữa Nga và Ucraina, lạm phát, giá cả vật tư hàng hóa, nhiên liệu, vật liệu vẫn ở mức cao… từ đó đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các ngành giày da, may mặc, dệt, sản xuất sản phẩm gỗ, điện tử, .v.v… giá điện tăng tạo thêm áp lực về chi phí cho các doanh nghiệp, do vậy dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 có mức tăng rất thấp so với cùng kỳ.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2023 tăng 2,69% so tháng trước, Trong đó: Khai khoáng giảm 0,58%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,65%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 4,34%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1,4% và có 25/27 ngành tăng so tháng trước như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,39%; sản xuất đồ uống tăng 5,71%; dệt tăng 1,94%; Sản xuất trang phục tăng 2,53%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,58%; sản xuất khoảng phi kim loại khác tăng 0,22%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 5,18%, sản xuất xe có động cơ tăng 2,94%, …

- Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II năm 2023 tăng 2,38% so quý I/2023 và tăng 6,02% so với cùng kỳ. Trong đó: Khai khoáng tăng 5,76%; nhóm ngành chế biến, chế tạo tăng 6,57%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 3,37%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 4,33%.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 6T/2023 tăng 3,01% so cùng kỳ đây là mức tăng thấp nhất so với 6 tháng của nhiều năm qua, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,02%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 2,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 3%; 6 tháng đầu năm 2023 các ngành sản xuất công nghiệp hầu hết tăng thấp so cùng kỳ: Chế biến thực phẩm, đồ uống, Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất da và các sản phẩm liên quan; Sản phẩm kim loại,  sản xuất máy móc thiết bị.v.v. đây là những ngành công nghiệp chủ lực gặp khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động chung của toàn ngành. Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 còn tiếp tục gặp khó khăn lớn, chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 4,17%, Sản xuất chế biến thực phẩm 5,39%; May mặc tăng 4,5%; sản xuất hóa chất tăng 3,39%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,22% v.v…một số ngành sản xuất khác như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5,26%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2,7%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 2,76%; sản xuất thiết bị điện tăng 3%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 4,58%.v.v… Tuy nhiên mức tăng trưởng của các ngành 6 tháng thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Dự ước 6 tháng đầu năm 2023 có 23/27 ngành sản xuất chỉ số tăng tuy nhiên mức tăng thấp.

Một số ngành sản xuất dự ước chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ như: Sản xuất điện tử, máy tính (-3,27%); Sản xuất phương tiện vận tải (-1,22%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (-5,66%); Sản xuất và phân phối điện, khí đột, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-2,6%)… nguyên nhân giảm do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn, đặc biệt ngành sản xuất giường tủ, bàn ghế nhiều doanh nghiệp đơn hàng rất ít, chưa có đơn hàng mới nên chỉ số sản xuất giảm mạnh so cùng kỳ.

- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: D6 tháng đầu năm 2023 có 18/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Đá xây dựng các loại 9.255 nghìn m3, tăng 4,01%; bột ngọt 143,1 nghìn tấn, tăng 7,3%; nước ngọt các loại 135,5 triệu lít, tăng 1,31%; sợi các loại 508,6 ngàn tấn, tăng 2,86%; Vải các loại 297,8 triệu m2, tăng 9,86%; quần áo may sẵn đạt 148,1 triệu cái, tăng 5,6%; giày dép các loại 302,8 triệu đôi, tăng 3%; sản phẩm kim loại 114 ngàn tấn, tăng 5,05%, … nguyên nhân tăng thấp là do đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và các nước EU giảm, cụ thể một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn như da giày, dệt may (công ty Changshin, Việt Vinh, Pouchen.v.v). mặt khác do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn. Đặc biệt ngành sản xuất giường tủ, bàn ghế nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng mới.

­4. Hoạt động xây dựng

Dự ước 6 tháng đầu năm 2023 giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn (theo giá hiện hành) đạt 31.670,6 tỷ đồng, tăng 17,81% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh nghiệp nhà nước đạt 93,06 tỷ đồng, giảm 32.72%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 21.805,89 tỷ đồng, tăng 18,46%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.137,4 tỷ đồng, tăng 1,93%; Loại hình khác đạt 7.634,3 tỷ đồng, tăng 22,33%. Giá trị sản xuất phân theo loại công trình: Công trình nhà ở đạt 10.662,4 tỷ đồng, tăng 22,56%; Công trình nhà không để ở đạt 8.403,1 tỷ đồng, tăng 12,39%; Công trình kỹ thuật dân dụng đạt 6.572,6 tỷ đồng, tăng 14,33%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 6.032,5 tỷ đồng, tăng 12,67% so cùng kỳ.

5. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

Sáu tháng đầu năm 2023 sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định, thuận lợi về thời tiết, tiến độ gieo trồng vụ Hè Thu đạt khá, sản lượng thu hoạch và năng suất cây trồng vụ Đông Xuân tăng so cùng kỳ; Công tác tái đàn đối với con heo ở nhiều hộ và trang trại chăn nuôi lớn đang có chuyển biến tích cực do giá heo hơi liên tục tăng, dịch bệnh và kiểm dịch được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên do giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng cao, làm cho giá thành sản phẩm hàng hóa nông sản tăng nên người sản xuất nông nghiệp chưa có lãi nhiều. Hoạt động lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá SS 2010) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 23.849,6 tỷ đồng, tăng 3,65% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 21.794,4 tỷ đồng, tăng 3,67% (trồng trọt tăng 1,59%; chăn nuôi tăng 4,75%; dịch vụ tăng 1,87%); Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 804,5 tỷ đồng, tăng 1,7%; Giá trị sản xuất thủy sản đạt 1.250,8 tỷ đồng, tăng 4,47%.

a) Nông nghiệp

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tính đến ngày 15/6/2023 đạt 88.411,24 ha, giảm 308,97 ha (-0,35%) so cùng kỳ.

Diện tích vụ Đông Xuân đạt 39.535,41 ha, giảm 426,15 ha (-1,07%) so với cùng kỳ. Trong đó: Nhóm cây lương thực đạt 24.606,33 ha, tăng 0,01% (diện tích lúa đạt 15.271,94 ha, tăng 0,06%; cây bắp đạt 9.334,39 ha, giảm 0,08%); Nhóm cây củ có bột đạt 4.501,13 ha, tăng 0,52%; Nhóm cây có hạt chứa dầu đạt 484,8 ha, giảm 9,55%; Nhóm cây rau, đậu các loại đạt 7.029,74 ha, giảm 0,78%; Nhóm cây hàng năm khác đạt 2.418,36 ha, giảm 6,14%. Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân giảm do một số diện tích thu hoạch vụ Mùa chậm nên người dân chưa chuẩn bị các khâu làm đất để xuống giống, một số chân ruộng lúa cao không đủ nước để gieo trồng, hơn nữa hiện nay hầu hết diện tích gieo trồng có xu hướng giảm dần do công tác quy hoạch, xây dựng, cho thuê v.v…

Dự ước năng suất một số cây trồng chính tăng, giảm trong vụ Đông Xuân so cùng kỳ như sau: Năng suất lúa đạt 66,45 tạ/ha, tăng 0,87%; bắp đạt 89 tạ/ha, giảm 1,22%; khoai lang đạt 112,46 tạ/ha, tăng 0,02%; rau các loại đạt 168,71 tạ/ha, tăng 5,22%; đậu các loại đạt 14,3 tạ/ha, tăng 3,41%. Năng suất cây trông tăng là do người dân xuống giống đúng vụ, chủ động nguồn nước tưới, thực hiện tốt khâu chăm bón, phòng chống dịch bệnh nên ít bị thiệt hại.

Dự ước sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ như sau: Lúa đạt 101.489 tấn, tăng 0,93%; Bắp đạt 84.079 tấn, giảm 1,3%; Khoai lang đạt 708,5 tấn, giảm 8,41%; Đậu tương đạt 251,73 tấn, tăng 6,56%; Đậu phộng là 794,96 tấn, giảm 15,88%; Rau các loại đạt 96.461 tấn, tăng 2,62%; Đậu các loại đạt 1.656,75 tấn, tăng 9,1% so cùng kỳ.

b) Cây lâu năm

Tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, từ đầu tháng 5 đã bắt đầu vào mùa mưa nên người nông dân trồng mới cây lâu năm và tập trung nhiều vào khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu cho cây trồng. Hiện nay đang thu hoạch xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, tiêu, điều, cao su, …

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 169.907 ha, tăng 0,09% so cùng kỳ, trong đó: Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 93.166 ha, chiếm 54,83% so với tổng diện tích, giảm 0,29%; Diện tích cây ăn quả là 76.741 ha, chiếm 45,17% tổng điện tích, tăng 0,57% so với cùng kỳ. Nguyên nhân diện tích cây ăn quả tăng là do giá bán khá ổn định như xoài, chuối, bưởi, quýt, sầu riêng và có thuận lợi là phù hợp với thổ nhưỡng đất nên người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả do đạt hiệu quả kinh tế cao.

Dự ước sản lượng thu hoạch một số loại cây trồng chính trong 6 tháng đầu năm 2023 như sau: Xoài đạt 59.713 tấn, tăng 0,8%; Chuối đạt 90.442 tấn, tăng 16,64%; Thanh long đạt 4.425 tấn, tăng 2,31%; Cam đạt 4.145 tấn, giảm 10,2%; Bưởi 29.279 tấn, tăng 17,47%; Chôm chôm 104.039 tấn, giảm 0,31%; Điều đạt 39.481 tấn, giảm 3,88%; Hồ tiêu đạt 27.833 tấn, giảm 1,38%; Cao su đạt 14.097 tấn, tăng 6,18% so cùng kỳ.

c) Chăn nuôi

Hoạt động chăn nuôi 6 tháng đầu năm phát triển ổn định, dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi được kiểm soát tốt. Ngành chăn nuôi triển khai các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh góp phần tái đàn có hiệu quả. Công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ, phúc kiểm động vật được kiểm tra chặt chẽ tại các chốt, các cơ sở giết mổ. Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 6/2023 là 2.791.883 con, tăng 0,32% so cùng kỳ. Trong đó:

Đàn trâu đạt 3.988 con, tăng 2,39%; Bò đạt 93.827 con, tăng 4,36%; Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò đầu tư thêm con giống để nuôi, bên cạnh đó người dân cũng mạnh dạn đầu tư cải tạo đàn bò theo hướng bò thịt tăng thu nhập trong chăn nuôi. Sản lượng thịt trâu 6 tháng đầu năm đạt 136,81 tấn, tăng 17,62%; Sản lượng thịt bò đạt 2.508,72 tấn, tăng 10,92% so cùng kỳ.

Đàn heo đạt 2.694.068 con (không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 0,19% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn heo tăng do các đơn vị chăn nuôi có quy mô vừa và lớn có đủ điều kiện an toàn đảm bảo công tác tái đàn, đặc biệt các doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư nước ngoài có quy trình đầu tư khép kín do chủ động được các khâu như con giống, thức ăn, chuồng trại, công tác phòng chống dịch và bảo đảm được đầu ra sản phẩm nên số heo ở các đơn vị này tăng. Giá heo hơi trên địa bàn Đồng Nai đến ngày 15/6/2023 dao động trong khoảng từ 57.000 đến 60.000 đồng/kg. Sản lượng thịt heo trong tháng là 39.788,37 tấn, tăng 1,92% so tháng cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đạt 242.111,32 tấn, tăng 3,58% so cùng kỳ. Số con heo xuất chuồng 6 tháng là 2.451.962 con, tăng 2,56% so cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm hiện có là 27.761,53 nghìn con, tăng 1,32% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 25.506,7 nghìn con, tăng 1,61%. Nguyên nhân đàn gà tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả hợp lý, dịch bệnh không phát sinh, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi; So với các loại vật nuôi khác, chăn nuôi có lợi thế về hiệu quả kinh tế do vòng quay ngắn, hệ số nhân đàn nhanh.

 Sản lượng thịt gia cầm 6 tháng đầu năm ước đạt 98.937,8 tấn, tăng 8,75%, trong đó thịt gà 86.703,25 tấn, tăng 8,73%; Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 682.338,9 nghìn quả, tăng 2,62% so cùng kỳ.

Trong tháng 6 không phát sinh các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, công tác phòng ngừa bệnh và tiêm chủng tốt. Tuy nhiên trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thất thường là nguyên nhân có thể làm xuất hiện và lây lan nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Người chăn nuôi cần chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống chuồng trại cũng như công tác vệ sinh, an toàn dịch bệnh để hạn chế rủi ro khi xuất hiện dịch bệnh.

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ổn định; công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy rừng được duy trì và tăng cường, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ vi phạm lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng; các kế hoạch, dự án được thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Sản lượng gỗ khai thác dự ước đạt 28.327 m3, lũy kế6 tháng đầu năm 2023 đạt 140.465 m3, tăng 2,1% so cùng kỳ, nguyên nhân tăng là do diện tích rừng sản xuất đã đến kỳ thu hoạch và một số diện tích khai thác tận thu dự án chuyển đổi quy hoạch. Sản lượng củi khai thác dự ước tháng 6/2023 đạt 322 ste, lũy kế 6 tháng đạt 1.447,2 ste, tăng 2,47% so cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy rừng (vào tháng 02/2023 và tháng 4/2023) tại huyện Vĩnh Cửu, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 1,62 ha rừng (rừng sản xuất). Nguyên nhân do người dân đốt dọn nương rẫy gây cháy lan.

Trong tháng lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện và tiếp nhận 07 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gồm: 04 vụ vi phạm Phá rừng trái pháp luật; 02 vụ vi phạm vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 01 vụ Tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật.

c) Thủy sản

Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 tương đối thuận lợi, người nuôi trồng thủy sản đã chú trọng đến đầu tư thâm canh tăng năng suất để đạt hiệu quả kinh tế cao. Công tác phòng chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống; giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường xã hội ít biến động; hộ nuôi trồng thu hoạch bán có lợi nhuận. Các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động cải thiện đầu tư ao, hồ, con giống vật nuôi, thay đổi cách nuôi nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế đặc biệt là các loại thủy sản có giá bán ổn định và thị trường tiêu thụ tốt như tôm sú, cá chép, cá mè... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: nuôi thủy sản trong lồng, bè, hồ chứa; nuôi thủy sản theo mô hình VAC với các loài thủy sản kinh tế cao như cá lăng, cá lóc, cá diêu hồng…

Ước tính tổng sản lượng thủy sản tháng 6/2023 đạt 5.964,88 tấn, tăng 5,06% so cùng kỳ; lũy kế 6 tháng ước đạt 35.332,25 tấn, tăng 4,39% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá ước đạt 28.295,83 tấn, tăng 4,25%; Sản lượng tôm đạt 5.709,59 tấn, tăng 5,63%; Sản lượng thủy sản khác đạt 1.326,83 tấn, tăng 2,09%. Nguyên nhân tăng là do nhu cầu thị trường tiêu thụ xã hội ngày một tăng, sản phẩm thủy sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều, giá bán sản phẩm thủy sản tăng cao, do đó mà nhiều hộ gia đình chủ động mở rộng diện tích nuôi trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc con giống, vật nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh, nên sản lượng thủy sản 6 tháng năm 2023 tăng khá so cùng kỳ.

6. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

Sáu tháng đầu năm 2023 các hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn trong bối cảnh kinh tế dần hồi phục sau đại dịch và sức mua dần tăng trở lại, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng, giá các mặt hàng thiết yếu không có biến động nhiều, nguồn cung rau, quả và thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các đơn vị kinh doanh tiếp tục mở rộng thị trường giao thương hàng hóa. Các cửa hàng, hệ thống siêu thị, cửa hàng điện máy, siêu thị tiện ích triển khai kích cầu tiêu dùng bằng nhiều hình thức như giảm giá, khuyến mãi các mặt hàng tiêu dùng. Tuy nhiên chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như: kinh tế thế giới, trong khu vực và nước ta tăng trưởng chậm lại; sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng; giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, chi phí vận tải, tiền thuê nhân công, các khâu logistics vẫn ở mức cao, trong khi sức mua trên thị trường sụt giảm do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập trung mua sắm các mặt hàng thiết yếu đảm bảo đời sống hàng ngày, phù hợp với tình hình tài chính, chi tiêu của gia đình

Tình hình thương mại dịch vụ tháng 6 và 6 tháng như sau:

6.1. Thương mại dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2023 ước đạt 21.098,78 tỷ đồng, giảm 0,55% so tháng trước và tăng 11,58% so tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 127.330,07 tỷ đồng, tăng 14,29% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 116.382,16 tỷ đồng, chiếm 91,4% và tăng 14,13% so với cùng kỳ. Phân theo ngành hoạt động như sau:

a) Bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 6 ước đạt 15.305,73 tỷ đồng, giảm 0,68% so với tháng trước. Quý II/2023 ước đạt 45.849,3 tỷ đồng, tăng 13,57% so với quý trước và tăng 9,21% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng năm 2023 ước đạt 92.875,62 tỷ đồng, tăng 11,38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó những nhóm hàng có mức tăng cao hơn mức tăng chung đó là hàng may mặc tăng 44,43%; Đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình tăng 14,01%; Vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 23,7%; xăng dầu các loại tăng 11,48%;... Nguyên nhân so với cùng kỳ tăng khá là do 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù tình hình dịch bệnh đã được khống chế và kiểm soát nhưng với tâm lý còn lo sợ của người dân nên nhiều hoạt động vẫn chưa trở lại bình thường như thời điểm trước dịch làm cho doanh thu một số ngành dịch vụ đạt rất thấp. Do đó bước sang năm nay các hoạt động bình thường, ổn định lại nên tăng cao. Bên cạnh đó ngành Công Thương tỉnh tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa, tập trung phát triển thị trường trong nước, mở rộng mạng lưới phân phối bán buôn, bán lẻ và đa dạng nhiều hình thức, hàng hóa, dịch vụ… đã góp phần tăng doanh thu ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

b) Lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Dự ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 6/2023 đạt 2.082,28 tỷ đồng, tăng 0,47% so với tháng trước. Quý II/2023 ước đạt 6.196,44 tỷ đồng, tăng 23,05% so quý trước và tăng 22,88% quý cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng ước đạt 12.281,28 tỷ đồng, tăng 22,96% so cùng kỳ, trong đó: Doanh thu lưu trú tăng 66,7%; Doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 22,59%.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 6/2023 ước đạt 5,5 tỷ đồng, tăng 2,58% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng ước đạt 33,2 tỷ đồng, tăng 233,14% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao do cùng kỳ năm trước thời điểm ngành du lịch còn gặp khó khăn do dịch Covid-19 mới được kiểm soát, các cơ sở kinh doanh du lịch bắt đầu tổ chức trở lại để phục vụ nhu cầu du lịch người dân. Bước sang năm 2023 ngành du lịch được khôi phục và phát triển, trong đó Nghị quyết số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, du lịch Đồng Nai đã có những bước phục hồi và phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư như: Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Sơn Tiên đưa vào hoạt động với quy mô 25 ha, vốn đầu tư khoảng 2,5 ngàn tỷ đồng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí người dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận trong những dịp nghỉ lễ và ngày nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển tại các địa phương như: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán và TP.Long Khánh thu hút được lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 132 cơ sở lưu trú và 23 khu, điểm du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của các du khách trong, ngoài tỉnh...

c) Hoạt động dịch vụ

Doanh thu dịch vụ tháng 6/2023 ước đạt 3.705,22 tỷ đồng, giảm 0,59% so với tháng trước và tăng 21,01% so với tháng cùng kỳ. Quý II/2023 ước đạt 11.123,27 tỷ đồng, tăng 24,13% so với quý trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng ước đạt 22.139,97 tỷ đồng, tăng 22,85% so cùng kỳ. Một số ngành kinh doanh dịch vụ tăng so với cùng kỳ như: Dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 22,14%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 12,93%; dịch vụ Giáo dục và Đào tạo tăng 40,1%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 19,67%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 22,15%. Nhìn chung các hoạt động dịch vụ này 6 tháng đầu năm 2023 tăng khá cao do 6 tháng đầu năm 2022 còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động cầm chừng, bước sang năm 2023 hoạt động ổn định trở lại nên tăng khá.

6.2. Giá cả thị trường

Tháng 6 năm 2023 tình hình giá cả nhiều mặt hàng tương đối ổn định và có mức tăng nhẹ so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,13% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,06%; khu vực nông thôn tăng 0,2%). Trong có 8 nhóm hàng hoá tăng giá, có 03 nhóm có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung là:

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25% đóng góp vào mức tăng chung của CPI là (+0,08%). Trong đó: Lương thực tăng 0,73%; thực phẩm tăng 0,27%. Tình hình xuất khẩu gạo trong nước có thuận lợi, giá xuất khẩu gạo tăng làm cho giá bán trong nước tăng so với tháng trước; Bên cạnh đó do thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa nên chi phí phơi sấy và bảo quản tăng là nguyên nhân làm cho giá gạo trong tháng tăng.

- May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19% so tháng trước. Trong tháng giá dịch vụ giày dép tăng 3,54%, riêng các mặt hàng quần áo giá tương đối ổn định nhiều mặt hàng có xu hướng giảm do các chương trình khuyến mãi mùa hè để kích cầu của nhiều cửa hàng.

- Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 6/2023 tăng 0,14% so với tháng trước góp phần làm cho mức tăng chung CPI trong tháng tăng 0,01%. Trong đó: Giá các mặt hàng nhiên liệu trong tháng tăng 0,44% do ảnh hưởng của giá xăng, dầu thế giới cụ thể giá xăng tăng 0,5%. Hiện tại giá xăng A95(III) bình quân là 21.993 đồng/lít; xăng E5 bình quân là 20.857 đồng/lít; dầu DO bình quân 18.033 đồng/lít.

- Các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,01 – 0,11%. Nhóm có chỉ số giá không biến động là Văn hóa, giải trí và du lịch và Hàng hoá dịch vụ khác giảm 0,01%.

So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 6/2023 tăng 0,83% so với tháng 6/2022. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm giáo dục 9,65%; tăng thấp nhất nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,35%. Có 02 nhóm hàng hóa giảm là giao thông giảm 12,47%; bưu chính viễn thông giảm 0,52%.

Chỉ số giá bình quân 6 tháng tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 09 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất nhóm Giáo dục (+11,17%); Văn hoá, giải trí và du lịch (+9,17%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+3,89%); Đồ uống và thuốc lá (+3,26%); Đồ dùng và dịch vụ khác (+2,81%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+3,01%); Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+1,1%); May mặc, mũ nón và giày dép (+0,79%); Thuốc và dịch vụ y tế (+0,31%). Có 02 nhóm chỉ số giá giảm là giao thông giảm 5,43%; bưu chính viễn thông giảm 0,38%.

* Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Trong tháng giá vàng bình quân giảm 0,69% so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước tăng 2,28%; so với tháng 12/2022 tăng 4,64%. Bình quân 6 tháng năm 2023 giảm 0,12% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 6 tăng 0,16% so tháng trước; so với cùng tháng năm trước giảm 0,39%; so với tháng 12 năm trước giảm 3,44%. Bình quân 6 tháng so cùng kỳ tăng 1,49%.

6.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất, nhập khẩu 6 tháng năm 2023 còn gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, các ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ,… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm đơn hàng nhiều nhất… Trước khó khăn đó các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, chú trọng khai thác thị trường nội địa và tận dụng Hiệp định thương mại tự do (FTA) tìm kiếm thị trường mới v.v… nên xuất khẩu trong tháng 6/2023 có tín hiệu khả quan hơn so với các tháng vừa qua. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm xuất khẩu đạt kết quả thấp.

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2023 trên địa bàn tỉnh đạt 1.938,1 triệu USD, tăng 5,25% so với tháng trước và giảm 11,62% so tháng cùng kỳ. So với tháng trước hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng như: Hạt điều nhân (+4,32%); cà phê (+5,11%); cao su (+3,17%); Sản phẩm gỗ (+6,2%); Hàng dệt may (+5,26%); Giày dép các loại (+5,52%); Máy vi tính (+5,44%); Xơ, sợi (+4,51%); máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (+5,57%) …

Tính chung 6 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 10.465,03 triệu USD, giảm 19% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước giảm 22,8%; kinh tế ngoài nhà nước giảm 14,06%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 20,5% so cùng kỳ. Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu giảm so cùng kỳ do tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với các chính sách thắt chặt tiền tệ, sức mua tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều giảm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm; các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng không thiết yếu như: Sản xuất đồ gỗ, giày da, hàng may mặc…

Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 năm 2023 ước đạt 1.472 triệu USD, tăng 6,49% so tháng trước và giảm 21,8% so tháng cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 7.808,54 triệu USD, giảm 22,87% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng tăng thấp so cùng kỳ, do thị trường xuất khẩu giảm, doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, bên cạnh đó giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới có xu hướng tăng và đang ở mức cao, kèm theo các khoản chi phí cao, nên doanh nghiệp cân nhắc, tính toán chỉ nhập nguồn nguyên vật liệu cần thiết để sản xuất, đồng thời cũng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để giảm bớt chi phí.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu 6 tháng so cùng kỳ như: Hóa chất giảm 33,86%; Chất dẻo nguyên liệu giảm 30,4%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 30,3%; Sắt thép các loại giảm 33,1% so cùng kỳ, Thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 38,6%; Cao su giảm 25,5%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 46%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 13,8%...

Cán cân thương mại hàng hóa tính chung 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh xuất siêu ước đạt 2.656,5 triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 443 triệu USD.

6.4. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2023, đã phục hồi và tăng trưởng khá; bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có nhiều dự án xây dựng trọng điểm quốc gia đang tập trung triển khai thực hiện để hoàn thành kế hoạch năm, nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao. Ngoài ra, trong quý II bước vào mùa cao điểm du lịch, nên nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5...  làm cho doanh thu dịch vụ vận tải hành khách tăng.

Doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 6/2023 ước đạt 2.507,21 tỷ đồng, tăng 0,86% so tháng trước và tăng 18,78% so cùng tháng năm trước. Quý II/2023 ước đạt 7.485,17 tỷ đồng, tăng 43,45% so với quý trước và tăng 21,48% so với quý cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 15.130,18 tỷ đồng, tăng 31,37% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.089,22 tỷ đồng, tăng 106,89%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 8.414,98 tỷ đồng, tăng 26,69%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4.625,97 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa tháng 6 ước đạt 6,24 triệu tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng ước đạt 37,76 triệu tấn, tăng 18,07% so với cùng kỳ. Luân chuyển hàng hóa tháng 6 ước đạt 532,2 triệu tấn.km, tăng 11,35%. Lũy kế 6 tháng ước đạt hơn 3.210 triệu tấn.km, tăng 18,57% so với cùng kỳ.

Vận chuyển hành khách trong tháng 6/2023 ước đạt hơn 5,95 triệu lượt khách, tăng 9,54% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng ước đạt 37,4 triệu lượt khách, tăng 51,89% so cùng kỳ. Luân chuyển hành khách tháng 6 ước đạt 345,8 triệu HK.km tăng 27,69% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng ước đạt 2.209,2 triệu HK.km tăng 74,24% so với cùng kỳ năm 2022.

7. Vốn đầu tư phát triển

Dự ước vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn tỉnh quý 2 năm 2023 thực hiện 26.324,5 tỷ đồng, tăng 10,6% so với quý 1/2023 và tăng 9,43% so cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt 2.290 tỷ đồng, tăng 28,03%; vốn ngoài nhà nước đạt 11.625,2 tỷ đồng, tăng 8,85%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 11.553,5 tỷ đồng, tăng 8,72% so quý I/2023.

Dự ước 6 tháng đầu năm 2023 tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện 50.126 tỷ đồng, tăng 10,24% so cùng kỳ, trong đó vốn khu vực nhà nước đạt 4.078,7 tỷ đồng, tăng 21,55%; vốn ngoài nhà nước đạt 22.305,1 tỷ đồng, tăng 6,75%; vốn đầu tư nước ngoài đạt 22.179,8 tỷ đồng, tăng 10,49%.

8. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Đến ngày 20/6/2023, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khoảng 623,21 triệu USD, tăng gần 02 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 đạt 321,34 triệu USD), trong đó: cấp mới 33 dự án với tổng vốn đăng ký 108,77 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, tăng 10% về vốn đăng ký cấp mới) và 44 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 514,45 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, tăng hơn 02 lần về vốn bổ sung). Lũy kế đến ngày 15/6/2023, số dự án còn hiệu lực là 1.588 dự án với số vốn 33,81 tỷ USD.

Thu hút đầu tư trong nước tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2023 (chưa bao gồm các dự án trúng đấu giá, đấu thầu) đạt khoảng 2.288,2 tỷ đồng, gấp 4,18 lần so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 đạt 546,6 tỷ đồng). Trong đó: cấp mới 13 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.538,63 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 15/6/2023, số dự án còn hiệu lực là 1.088 dự án với số vốn hơn 310.266 tỷ đồng.

Tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn đến ngày 15/6/2023 là 24.791,4 tỷ đồng, bằng 66,11% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 là 37.499,6 tỷ đồng). Trong đó, có 1.743 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 11.546,2 tỷ đồng và 598 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung khoảng 13.245,2 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022, bằng 80,7% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bằng 91,7% về số vốn thành lập mới.

9. Một số tình hình xã hội

a) Văn hóa thông tin

Sáu tháng đầu năm 2023 toàn ngành văn hóa thông tin tập trung các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh bằng nhiều hình thức như: treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, in treo cờ nội dung, cờ phướn, băng rôn, thay đổi nội dung pano hộp đèn, pano cố định, pano cụm, tờ tranh cổ động và đĩa CD, thực hiện triển lãm, tuyên truyền... Tổ chức chương trình Văn nghệ và phối hợp với Đài PTTH Đồng Nai ghi hình, chủ đề: “Tổ quốc nhìn từ biển” phục vụ đông đảo người xem.

b) Thể dục, thể thao

6 tháng đầu năm 2023 công tác tham gia các giải và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn như sau:

- Giải quốc tế: Tham gia Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32) tại Campuchia từ ngày 04/5 - 16/5, đạt 09 huy chương (03 HCV, 06 HCB); tham gia Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12, tham gia 03 giải, tổng số huy chương quốc tế đạt được trong tháng 6 là 18 huy chương các loại (05 HCV, 10 HCB, 03 HCĐ).

- Giải quốc gia: Tham gia 10 giải, đạt 56 huy chương (15 HCV, 17 HCB, 24 HCĐ), cụ thể: Giải vô địch thể hình các CLB toàn quốc lần thứ 30; Giải Cầu lông đồng đội quốc gia năm 2023; Giải Bóng đá hạng nhì quốc gia; Giải vô địch Cờ vua các CLB quốc gia; Giải vô địch trẻ quốc gia thể dục Aerobic; Giải vô địch Kurash quốc gia lần thứ V; Giải vô địch Cầu lông trẻ; Giải Billiard & Snooker; Giải vô địch Cầu mây bãi biển; Giải vô địch Taekwondo.

- Giải Cụm, mở rộng: tham gia 02 giải, đạt 12 huy chương các loại (03 HCV, 01 HCB, 08 HCĐ), cụ thể: Giải Muay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng; Giải vô địch Karate miền Đông Nam Bộ tỉnh Bình Dương mở rộng.

Ngoài ra Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai phối hợp với Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Giải Việt dã truyền thống tại Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Đồng Nai vào ngày 28/5/2023.

c) Giáo dục - Đào tạo

Tổ chức thi, chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024; Công bố kết quả thi, duyệt điểm chuẩn vào lớp 10 các trường thi tuyển; Chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 như: dữ liệu thi, Hội đồng thi, địa điểm thi, lãnh đạo, cán bộ coi thi…. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra trong 2 ngày, từ 28 đến 29-6. Toàn tỉnh có 33.263 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 2000 thí sinh so với năm trước) trong đó có 26.009 thí sinh hệ THPT và 7.254 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. TP. Biên Hoà có nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhất với 11 ngàn thí sinh đăng ký, thứ nhì là H. Trảng Bom với trên 4,7 ngàn thí sinh, thứ ba là H. Long Thành với trên 3,6 ngàn thí sinh. Huyện có ít thí sinh đăng ký dự thi nhất là Cẩm Mỹ với trên 1.230 thí sinh đăng ký. Sở GD-ĐT đã có phương án bố trí 60 điểm thi trong toàn tỉnh với 1.408 phòng thi. Tại mỗi địa phương, Sở đều bố trí điểm thi dự phòng, đề phòng trường hợp phải thay đổi địa điểm thi.

d) Y tế

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng 6/2023, số ca mắc tay chân miệng là 419 ca, tăng 86,22% so với tháng trước và giảm 75,93% so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 6 tháng đầu năm là 857 ca, giảm 68,02% so với cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Sốt xuất huyết ghi nhận 222 ca (từ ngày 1/5-31/5/2023), tăng 26,14% so với tháng trước, giảm 89,21% so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 6 tháng có 1.456 ca, giảm 61,74% so cùng kỳ. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, tả, thương hàn, cúm, uốn ván… trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

* Dịch Covid-19: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản kiểm soát tốt, số ca mắc mới trong tháng giảm nhiều so với tháng trước, cụ thể từ ngày 20/5/2023 – 19/6/2023 ghi nhận 664 trường hợp mắc bệnh trên địa bàn tỉnh, giảm 64,3% so với tháng trước (1.848 ca), trong đó 18 ca cách ly, theo dõi tại nhà, 10 ca tại bệnh viện. Các ca nhiễm đều được giám sát, xử lý kịp thời đúng quy định, không lây lan thành ổ dịch lớn. Từ đầu năm 2023 đến nay, ghi nhận tổng số 2.488 ca mắc mới; ghi nhận ca 02 ca tử vong.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Trong tháng 6/2023 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm 2.292 cơ sở, trong đó: 2.224 cơ sở đạt (chiếm 97,03%), số cơ sở vi phạm là 68 (chiếm 2,97%), phạt tiền 09 cơ sở, số tiền phạt: 117,5 triệu đồng, nhắc nhở 59 đơn vị. Từ đầu năm đến này không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.​

Chương trình tiêm chủng mở rộng: Trong 6 tháng đầu năm, số trẻ em tiêm chủng đầy đủ 6 loại vaccin có 17.087 cháu và tăng 3.534 cháu (+26.07%) so cùng kỳ, đạt 38,31% kế hoạch năm.

e) Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 40.426 lượt lao động, đạt 50,53% so với kế hoạch (40.426/80.000), giảm 4,41% so với cùng kỳ năm 2022. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp 34.652 người, giảm 2,05% so với cùng kỳ năm trước; hỗ trợ học nghề cho 445 người, giảm 11,89% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm các trường và Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới 37.190 học viên, đạt 51,65% so với kế hoạch (37.190/72.000). Số học viên các trường và Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tốt nghiệp và có chứng chỉ có 34.225 học viên, đạt 52,25 % so với kế hoạch (37.190/72.000), tăng 4,81% so với cùng kỳ năm 2022.

CỤC THỐNG KÊ ĐỒNG NAI

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỤC THỐNG KÊ TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: Đường Đồng khởi, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: (0251)3.822.419; Fax: (0251)3.819.047
Email: ctk@dongnai.gov.vn
Ghi rõ nguồn "thongke.dongnai.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này​



Chung nhan Tin Nhiem Mang