Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Đồng Nai Quý I năm 2024

Quý I năm 2024, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cả nước nói chung còn khó khăn chủ quan lẫn khách quan. Yếu tố chủ quan là nhiều doanh nghiệp quá lệ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu chưa chú trọng vào thị trường trong nước, sản phẩm chậm cải tiến mẫu mã chất lượng, giá thành sản xuất cao…. yếu tố khách quan là tình hình chính trị trên thế giới bất ổn, từ đó tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng. Vì vậy ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả thực hiện 2 tháng đầu năm và ước tính tháng 3/2024, Cục Thống kê dự ước tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn quý I năm 2024 như sau:

I. KINH TẾ​

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh​ (GRDP)

Theo thông báo số liệu của Tổng cục Thống kê ngày 27 tháng 3 năm 2024. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) (theo giá so sánh 2010) Quý I năm 2024 ước đạt 58.753,64 tỷ đồng, tăng 5,85% so với cùng kỳ (Mục tiêu cả năm 2024 từ 6,5-7%). Trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,62%; Công nghiệp - xây dựng tăng 5,34%; Dịch vụ tăng 8,4% và Thuế sản phẩm tăng 4,32%.

Trong điều kiện tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2024 vẫn còn khó khăn, kinh tế thế giới phục hồi còn chậm, tình hình xuất khẩu chưa được cải thiện nhiều, đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn ít.v.v.. Đạt mức tăng trưởng 5,85% là khá cao, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu cao của các cấp các ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đặc biệt khu vực dịch vụ dự ước đạt mức tăng trưởng cao (+8,37%) mức tăng GRDP quý I/2024 cao hơn nhiều so với quý I/2023 (số liệu sơ bộ quý I/2023 tăng 3,92%)

2. Sn xut công nghip

­ Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2024 tăng 24,94% so tháng trước, tăng 6,8% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 25,31%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,62%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 16,9%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1% so tháng trước. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao đó là: Sản xuất đồ uống tăng 26,64%; dệt tăng 23,48%; Sản xuất trang phục tăng 26,03%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 26,53%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 22,76%; Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 26,62%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 29,63%.v.v… Nguyên nhân chỉ số sản xuất tháng 03 năm 2024 tăng cao so tháng trước là do tháng 2/2024 là tháng Tết nguyên đán Giáp Thìn, nhiều doanh nghiệp nghỉ tết từ 7-10 ngày do đó chỉ số sản xuất tháng 3/2024 tăng cao.

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2024 tăng 5,1% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 5,1%, ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tăng 6,48%; sản xuất và phân phối điện giảm mạnh (-23,44%); ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,1%. Xét theo ngành kinh tế cấp 2 tình hình sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp sản xuất trong quý I/2024 có 26/27 ngành có mức tăng so cùng kỳ, có 1/27 ngành có mức giảm đó là ngành sản xuất phân phối điện, nước (nguyên nhân do Công ty Điện lực dầu khí Nhơn trạch 2 những tháng đầu năm giảm công suất hoạt động). Chỉ số sản xuất quý I năm 2024 tăng thấp so cùng kỳ năm 2023 là do các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn về đơn hàng. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới, tuy nhiên số lượng đơn hàng vẫn chưa nhiều. Do tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, chiến tranh Dải Gaza chiến tranh giữa Nga và Ucraina; tình hình phức tạp trên Biển đỏ, tình hình lạm phát trên thế giới v.v… từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn làm chỉ số sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tăng không cao so cùng kỳ.

Từ chỉ số sản xuất trên cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp quý I năm 2024 trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn đáng kể, nhất là các ngành sản xuất chủ lực như:  Dệt, sản xuất giầy da, hóa chất, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính v.v...

Dự ước quý I/2024 có một số ngành sản xuất chỉ số sản xuất cao hơn mức tăng bình quân chung so với toàn ngành do tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá (+8,42%); Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (+8,52%); Sản xuất sản phẩm cao su và plasttic (+8,28%); Sản xuất thiết bị điện (+7,68%); Sản xuất máy móc thiết bị (+8,27%) v.v…

Dự ước quý I/2024 có 19/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Bột ngọt 66,3 nghìn tấn, tăng 5,07%; Thuốc lá sợi đạt 3.816 tấn, tăng 8,16%; Quần áo các loại đạt 62,6 triệu cái; tăng 6,64%; Thuốc trừ sâu đạt 3.026,7 tấn, tăng 7,03%; Sơn các loại đạt 31,3 ngàn tấn, tăng 11,79%; Săm, lốp các loại đạt 22,1 ngàn cái, tăng 14,51%; Sản phẩm kim loại đạt 111,2 ngàn tấn, tăng 12,1%; Máy giặt đạt 98,8 ngàn cái, tăng 18,47%; Giường, tủ, bàn ghế đạt 2.700,9 ngàn cái, tăng 14,96%... với sự tăng trưởng nhiều sản phẩm chủ lực như trên cho thấy dấu hiệu phục hồi trong sản xuất công nghiệp quý 1 năm nay. Tuy nhiên có một số sản phẩm giảm do tình hình sản xuất phục hồi chậm, mặt khác do thị trường xã hội tiêu thụ chậm, nên sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ như: Nước ngọt các loại (-3,57%); Giày dép các loại (-0,48%); Ván ép, gỗ cưa, gỗ lạng (-2,56%); Bê tông trộn sẵn (-9,71%); Điện sản xuất (-39,67%) do Công ty Điện lực dầu khí nhơn trạch 2 giảm công xuất sản xuất.

3. Hoạt động xây dựng

­ Năm 2024 ngành xây dựng tiếp tục tập trung hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát, thi công các công trình. Đồng Nai là tỉnh phát triển sản xuất công nghiệp và thu hút dự án đầu tư nước ngoài mạnh, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà ở dân cư tăng cao, đặc biệt hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thi công xây dựng các công trình quy mô lớn như Cảng hàng không Quốc tế Long thành; Dự án Điện lực dầu khí Nhơn trạch 3 và 4… Quý I/2024 là quý đầu năm nên một số dự án mới chưa được triển khai, các nhà thầu chủ yếu tập trung thi công các công trình chuyển tiếp từ năm 2023, mặt khác nghỉ tết nguyên đán nên giá trị sản xuất ngành xây dựng ở hầu hết các thành phần kinh tế đều giảm so quý IV năm 2023.

Dự ước giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành trên địa bàn quý 1/2024 đạt 17.176 tỷ đồng, giảm 12,86% so với quý IV/2023 và tăng 10,13% so cùng kỳ, do quý I/2024 là quý đầu năm và có những ngày trùng vào Tết Nguyên đán, thời gian nghỉ kéo dài, nhiều công trình tạm ngưng cho công nhân nghỉ tết nên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đạt thấp so với quý IV/2023, cụ thể:

Dự ước giá trị sản xuất xây dựng (giá so sánh 2010) quý I/2024 đạt 10.757,9 tỷ đồng, giảm 13% so với quý IV/2023 và tăng 12,65% so cùng kỳ; trong đó công trình nhà ở đạt 4.381,8 tỷ đồng giảm 21,1% so với quý IV/2023; công trình nhà không để ở đạt 2.522,8 tỷ đồng, giảm 1,72% so với quý IV/2023; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 2.528 tỷ đồng giảm 4,62% so với quý IV/2023 và hoạt động xây dựng chuyên dùng đạt 1.325,3 tỷ đồng, giảm 16,85% so quý IV/2023.

4. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (Theo giá so sánh 2010) Quý I/2024 đạt 11.700,1 tỷ đồng, tăng 3,57% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 10.634,5 tỷ đồng, tăng 3,59% (trồng trọt tăng 2,81%; chăn nuôi tăng 4%; dịch vụ tăng 2,22%); Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 401,7 tỷ đồng, tăng 2,11%; Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 663,9 tỷ đồng, tăng 4,14%.

a) Nông Nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm cơ bản thuận lợi, các ngành, địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi luôn được các cơ quan chức năng quan tâm và triển khai

Cây hàng năm: Tính đến ngày 15/3/2024 toàn tỉnh gieo trồng được trên 38.766,23 ha, giảm 0,08% (-31,01 ha) so cùng kỳ. Trong đó: diện tích cây lương thực đạt 24.590,96 ha, chiếm 63,43% so với tổng diện tích, giảm 0,06% (-15,37 ha); cây củ có bột đạt 4.435,97 ha, giảm 0,81% (-36,15 ha); cây thực phẩm đạt 6.916,19 ha, tăng 0,58% (+40 ha); cây công nghiệp hàng năm đạt 991,23 ha, giảm 1,16% (-11,38 ha); cây hàng năm khác đạt 1.8314,88 ha, giảm 1,66% (-30,87 ha) so cùng kỳ.

Dự ước năng suất một số cây trồng vụ Đông Xuân 2024: Năng suất lúa đạt 66,48 tạ/ha, tăng 0,04%; Bắp đạt 89,01 tạ/ha, tăng 0,23%; Khoai lang đạt 113,14 tạ/ha, tăng 0,6%; Mía đạt 698,33 tạ/ha, tăng 0,7%; Đậu tương đạt 19,85 tạ/ha, tăng 0,3%; Đậu phộng đạt 23,13 tạ/ha, giảm 0,9% so cùng kỳ....

Dự ước sản lượng thu hoạch quý I/2024 so với cùng kỳ như sau: Lúa đạt 6.054 tấn, giảm 2,31%; Bắp đạt 5.446 tấn, tăng 0,76%; Đậu tương đạt 12,33 tấn, tăng 3,64%; Đậu phộng đạt 12,21 tấn, tăng 1,8%; Rau các loại đạt 56.234 tấn, tăng 1,39%; Đậu các loại đạt 426,13 tấn, tăng 1,87% so cùng kỳ.

Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 169.211,78 ha, tăng 88,34 ha (+0,05%) so cùng kỳ. Tổng diện tích cây lâu năm tăng là do nông dân chuyển đổi một số diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như xoài, chuối, mít, sầu riêng đang có xu hướng tăng mạnh do đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó: Tổng diện cây ăn quả là 78.635,23 ha, tăng 95,07 ha (+0,12%) và chiếm 46,47% tổng diện tích. Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 90.576,55 ha, giảm 6,73 ha (-0,01%) so cùng kỳ.

Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong quý I/2024 như sau: xoài đạt 27.744 tấn (+4,52%); chuối đạt 54.868 tấn (+20,19%); thanh long đạt 4.084 tấn (+5,21%); bưởi đạt 13.046 tấn (+2,76%), nguyên nhân sản lượng tăng là do giá bán tại thời điểm này tăng, đặc biệt một số cây ăn quả đặc thù như chuối, bưởi có giá trị kinh tế cao, hơn nữa nhóm cây ăn quả này phục vụ cho nhu cầu trong và sau Tết, nên sản lượng tăng khá. Sản lượng điều trong quý I/2024 đạt 32.454,6 tấn, tăng 2,82%; tiêu đạt 19.641,5 tấn, giảm 0,72%; Sản lượng mủ cao su đạt 9.813 tấn, tăng 2,9% so cùng kỳ.

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 3/2024 là 2.190.559 con, giảm 0,42% so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.848 con (+0,08%); Bò đạt 106.807 con (+0,03%); Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò đầu tư thêm con giống để nuôi; Đàn heo đạt 2.079,9 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 0,44% so cùng kỳ.

Dự ước sản lượng thịt gia súc quý I/2024 so cùng kỳ: thịt trâu đạt 71 tấn, tăng 3,82%; thịt bò đạt 1.344 tấn, tăng 4,41%; thịt heo đạt 126.938 tấn, tăng 2,89% so với cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm có đến thời điểm tháng 3/2024 là 25.704,9 nghìn con, tăng 4,9% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 22.405 nghìn con, tăng 5,41%. Sản lượng thịt gia cầm quý I/2024 ước đạt 49.985 tấn, tăng 5,74%, trong đó sản lượng thịt gà ước đạt 43.789 tấn, tăng 6,04% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gà tăng là do thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không phát sinh, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn; Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.

b) Lâm nghiệp

Trong quý I năm 2024 tình hình sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là triển khai thực hiện công tác Phòng cháy chữa cháy rừng và ươm cây giống lâm nghiệp. Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng 3/2024 đạt 181 ha, tăng 1 ha (+0,98%) so với tháng cùng kỳ

Trong tháng 3/2024 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 27.588 m3, tăng 4,93% so với tháng cùng kỳ. Ước quý I/2024 tổng số gỗ khai thác đạt được 62.504 m3, tăng 4,11% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác trong tháng 3/2024 ước đạt 221 ste, tăng 0,91% so tháng cùng kỳ. Ước quý I/2024 đạt 621 ste, tăng 2,27% so với cùng kỳ.

c) Thủy sản

Dự ước sản lượng thủy sản quý I/2024 đạt 18.476,2 tấn, tăng 6,16% so cùng kỳ; Trong đó: Sản lượng cá đạt 14.871,3 tấn, tăng 6,19%; Sản lượng tôm đạt 2.921,3 tấn, tăng 6,31%; Sản lượng thủy sản khác đạt 683,6 tấn, tăng 4,89%.

5. Vốn đầu tư phát triển

- Vốn ngân sách nhà nước: Dự ước vốn ngân sách nhà nước Quý I/2024 thực hiện 2.840,96 tỷ đồng, giảm 30,89% so với quý 4/2023 và tăng 14,34% so cùng kỳ. Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước do Trung ương quản lý quý 1/2024 có mức đầu tư tăng cao so quý trước và so cùng kỳ chủ yếu phụ thuộc phần lớn vào sự phân bổ vốn đầu tư và đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp nhà nước Trung ương ở địa phương khác đầu tư vào tỉnh Đồng Nai.

- Nguồn vốn thuộc khu vực ngoài nhà nước: Uớc quý I/2024 thực hiện 12.124,9 tỷ đồng, so quý IV/2023 giảm 4,51%; so quý I/2023 tăng 5,76%. Nguyên nhân tăng khá là do kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, tăng cường đầu tư cho sản xuất, nguồn vốn đầu tư hàng năm chiếm tỷ trọng cao tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn thu hút một lượng lớn lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế,  tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội v.v…

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:  Dự ước quý I/2024 vốn đầu tư thực hiện 11.803 tỷ đồng, giảm 11,44% so quý IV/2023 và tăng 9,63% so quý I/2023, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn trên địa bàn. Nguyên nhân tăng là do tình hình đầu tư vốn vào các dự án trong quý I năm 2024 đạt ở mức tăng khá so cùng kỳ. Chủ yếu tập trung đầu tư các dự án mới cấp phép ở các khu công nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp mới đầu tư đã đi vào hoạt động đầu tư cho việc mở rộng quy mô sản xuất theo kế hoạch nên tình hình đầu tư ở khu vực này có mức tăng khá so cùng kỳ. Dự kiến trong quý I/2024 công ty SMC Manufacturing đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất: 570 tỷ đồng; Công ty TKG Taekwang Vina đầu tư mở rộng nhà xưởng: 106 tỷ đồng; Công ty Formosa Taffeta đầu tư xây dựng nhà xưởng: 163 tỷ đồng; Công ty Pou Chen thực hiện 112 tỷ đồng; Công ty SX toàn cầu Lixil thực hiện 86 tỷ đồng; Công ty Ajinomoto thực hiện 95 tỷ đồng; Công ty Huatex thực hiện 86 tỷ đồng; Công ty Kim Bảo Sơn thực hiện 70 tỷ đồng; Công ty Dona Pacific thực hiện 62 tỷ đồng…

6. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Từ đầu năm đến ngày 20/3/2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 571,38 triệu USD, tăng 13,34% so cùng kỳ, trong đó: cấp mới 24 dự án với tổng vốn đăng ký 291,47 triệu USD, tăng gấp 5,5 lần so cùng kỳ và 24 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 279,91 triệu USD, giảm 37,99% so cùng kỳ.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 20/3/2024, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn khoảng 6.851,84 tỷ đồng, gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: cấp mới 03 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.470,7 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so cùng kỳ; có 04 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký bổ sung là 5.381,1 tỷ đồng, tăng gần 83 lần so cùng kỳ năm 2023.

Tổng vốn đăng ký kinh doanh từ đầu năm đến ngày 15/3/2024 là 17.915 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Có 766 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 5.303 tỷ đồng, tăng 17,77%; Có 174 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung với số vốn là 12.612 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so cùng kỳ. Ngoài ra có 304 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, bằng 77,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ ngày 01/03/2024 đến ngày 15/03/2024, có 20 doanh nghiệp giải thể, giảm 9,1% so với cùng kỳ và có 13 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, giảm 41% so với cùng kỳ; 65 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

7. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

7.1 Thương mại dịch vụ

Quý I năm 2024, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhộn nhịp, sức mua thị trường tăng so cùng kỳ. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương trong tỉnh, doanh nghiệp triển khai tích cực cùng với các chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 3 năm 2024 ước đạt 22.394,32 tỷ đồng, giảm 13,31% so tháng trước và tăng 9,15% so tháng cùng kỳ. Nguyên nhân giảm so tháng trước do tháng 3 sau Tết Nguyên đán hoạt động thương mại và dịch vụ trở về trạng thái bình thường, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí, tham quan du lịch của người dân giảm so với tháng trước. Dự ước quý I năm 2024 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 73.776,07 tỷ đồng, tăng 14,38% so cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 12,15%).

7.2. Giá cả thị trường

Tháng 3 là tháng sau Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi, giải trí và du lịch của người dân giảm; giá nhiều mặt hàng giảm, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2024 giảm 0,13% (khu vực thành thị giảm 0,25%; khu vực nông thôn giảm 0,01%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 3 nhóm hàng hóa ổn định.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 3 so với tháng trước một số nhóm hàng chính như sau:

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3 giảm 0,03% so với tháng trước, làm giảm mức tăng chung của CPI là (-0,01%), trong đó:

+ Lương thực giảm 0,45% so với tháng trước, nguyên nhân là do tháng 3 sau Tết nhu cầu tiêu dùng lương thực giảm, bên cạnh đó thị trường gạo thế giới nguồn cung dồi dào, giá xuất khẩu gạo trong nước ổn định làm cho giá các mặt hàng lương thực trong nước giảm như: Giá gạo tẻ thường giảm 0,33%; gạo tẻ ngon giảm 2,08%; gạo nếp giảm 3,36%; hàng bột mì và ngũ cốc khác giảm bình quân 0,96%; lương thực chế biến giảm 0,11% so với tháng trước.

+ Thực phẩm tháng 3 giảm 0,15% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do sau Tết giá nhiều mặt hàng thực phẩm giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm như giá heo giảm 0,68% như thịt heo mông sấn ở mức 107.539 đồng/kg; thịt nạc thăn 119.669 đồng/kg. Giá heo hơi trong tháng 3 dao động trong khoảng 54.000đồng/kg đến 58.000 đồng/kg; các mặt hàng thực phẩm chế biến như giò, chả, xúc xích giảm 0,92%; các mặt hàng thịt chế biến bình quân giảm 0,93% so với tháng trước. Các mặt hàng rau tươi, khô và chế biến tăng 2,05% so với tháng trước.

+ Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 3 tăng 0,32% nguyên nhân chủ yếu do trong tháng thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng, trong đó giá nước sinh hoạt tăng bình quân 4,11%; giá điện sinh hoạt tăng bình quân 0,61% so với tháng trước; Giá vật liệu bảo dưỡng và sửa chữa nhà tăng nhẹ 0,03% so với tháng trước do ảnh hưởng của giá thế giới tăng làm cho giá các mặt hàng sắt thép trong tháng tăng nhẹ.

+ Thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 3 giảm 0,04% so với tháng trước; Sau Tết do nhu cầu giảm nên giá thuê người giúp việc theo giờ và thuê ở cùng gia đình giảm bình quân 1,71%; giá các mặt hàng nước giặt, xà phòng, chất tẩy rửa giảm 0,19% do công ty và siêu thị có các chương trình khuyến mãi. Ngược lại giá các mặt hàng máy điều hoà tăng 0,69%; máy giặt tăng 0,28% nguyên nhân là do thời tiết nắng, nóng kéo dài nên nhu cầu mua sắm tăng, một số đồ dùng thiết bị gia đình khác giá tương đối ổn định.

+ Chỉ số giá nhóm giao thông trong tháng 3 giảm 0,23% so với tháng trước, làm giảm mức tăng chung của CPI trong tháng là 0,02%. Trong tháng 3 giá một số dịch vụ giao thông công cộng giảm như vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 6,63%; dịch vụ giao nhận hành lý và hành lý gửi giảm 1,49% nguyên nhân do sau Tết nhu cầu đi lại của người dân giảm, giá các mặt hàng phương tiện và phụ tùng xe cũng giảm nhẹ so với tháng trước. Bên cạnh đó giá các mặt hàng xăng, dầu trong tháng 3 điều chỉnh tăng làm cho nhóm nhiên liệu bình quân tăng 0,69% so với tháng trước trong đó xăng tăng 0,79%; riêng dầu Diezel giảm 1,15%.

+ Văn hóa, giải trí và du lịch tháng 3 giảm 1,59% so với tháng trước đã làm giảm mức tăng chung của CPI là 0,1%. Tháng 3 giá một số tour du lịch trọn gói giảm 7,19% so với tháng trước nguyên nhân là do nhu cầu đi du lịch của người dân giảm, giá dịch vụ khách sạn trong tháng giảm 1,47%....

Các nhóm còn lại chỉ số giá ổn định có mức tăng từ 0,01 – 0,15%.

- Chỉ số giá bình quân quý I năm 2024 so cùn kỳ tăng 2,47%. Trong đó 08 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất thuốc và dịch vụ y tế (+9,07%); Đồ dùng và dịch vụ khác (+7,24%); Giáo dục (+2,67%); Giao thông (+2,62%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+2,6%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,06%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,46%); Đồ uống và thuốc lá (+0,51%). Có 03 nhóm chỉ số giá giảm là May mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,4%; Bưu chính viễn thông giảm 0,38%; Văn hoá, giải trí và du lịch 2,69%.

- Chỉ số giá vàng biến động theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 6,24% so với tháng trước; so với cùng kỳ tăng 23,47%. Bình quân quý I so cùng kỳ tăng 19,31%.

- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 03/2024 tăng 1,36% so tháng trước, tăng 6,01% so với cùng kỳ. Bình quân quý I so cùng kỳ tăng 4,91%.

7.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 3 năm 2024 có tín hiệu khả quan hơn, doanh nghiệp ký được đơn hàng xuất khẩu mới, bên cạnh đó đơn giá một số mặt hàng xuất khẩu tăng góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Mặt khác, nhiều chương trình chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh tiếp tục được triển khai tập trung vào phát triển thị trường xuất khẩu, thị trường truyền thống và trọng điểm kết hợp khai thác mở rộng thị trường mới, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... được triển khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao năng lực hội nhập, tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 3 năm 2024 đạt 1.794,44 triệu USD, tăng 28,68% so với tháng trước và giảm 2,52% so tháng cùng kỳ. Quý I kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5.263,35 triệu USD, tăng 7,88% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước tăng 3,03%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 6,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,53% so cùng kỳ.

So với cùng kỳ, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng như: Hạt điều nhân (+45,79%); cà phê (+95,69%); Sản phẩm gỗ (+10,17%); Giày, dép (+10,67%); máy móc thiết bị và dụng cụ (+4,16%); Xơ sợi các loại (+11,58%). Tuy nhiên một số ngành hàng còn gặp khó khăn trong việc khai thác thị trường tiêu thụ, tiêu dùng suy giảm và tồn kho khá lớn đối với mặt hàng không thiết yếu đã ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng các doanh nghiệp bị cắt giảm so cùng kỳ như: Cao su (-6,49%); hàng dệt may (-1,44%); máy vi tính, sản phẩm điện tử (-9,31%); sản phẩm chất dẻo (-1,76%) ...

Thị trường xuất khẩu quý I năm 2024 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 1.472 triệu USD, chiếm 27,97%; Nhật Bản ước đạt 546,4 triệu USD, chiếm 10,38%; Trung Quốc đạt 542 triệu USD, chiếm 10,3%; Hàn Quốc ước đạt 306,6 triệu USD, chiếm 5,82% ...

Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm 2024 ước đạt 1.344,9 triệu USD, tăng 29,25% so tháng trước, nguyên nhân tháng 3 nhập khẩu tăng khá do các doanh nghiệp ký được thêm đơn hàng mới nên tăng cường nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Quý I kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.640,8 triệu USD, giảm 2,03% so cùng kỳ, trong đó: Kinh tế nhà nước giảm 6,64%; kinh tế ngoài nhà nước giảm 0,35%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,25%. Kim ngạch nhập khẩu quý I giảm so cùng kỳ do nguyên liệu tồn kho nhập về từ những tháng cuối năm 2023 nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trong tháng 01 và tháng 02 năm 2024 hạn chế dẫn đến kim ngạch nhập khẩu 3 tháng giảm so với cùng kỳ.

Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều giảm so cùng kỳ như: Chất dẻo (Plastic) nguyên liệu giảm 25,65%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 13,65%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 23,33%; vải các loại giảm 26,47%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 12,67%; Sắt thép các loại giảm 43,11% ...

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2024, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất ước đạt 1.007,5 triệu USD, chiếm 27,67%; Hàn Quốc ước đạt 578,2 triệu USD, chiếm 15,88%; Nhật Bản ước đạt 471 triệu USD, chiếm 12,94%; Hoa Kỳ đạt 188,56 triệu USD, chiếm 5,18% ...

7.4. Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

Sản lượng vận chuyển hành khách tháng 3 năm 2024 ước đạt 7.360 nghìn hành khách, giảm 9,97% so với tháng trước, tăng 18,12% so với tháng cùng kỳ; luân chuyển đạt 438.837 nghìn hành khách.km giảm 9,89% so với tháng trước, tăng 17,96% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng vận chuyển ước đạt 22.306 nghìn hành khách, tăng 8,03%; luân chuyển đạt 1.318.615 nghìn hành khách.km tăng 6,98% so cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hành khách tháng 3 ước đạt 422,85 tỷ đồng, giảm 9,61% so tháng trước. Dự ước quý I đạt 1.262,6 tỷ đồng, tăng 12,89% so cùng kỳ.

Sản lượng vận chuyển hàng hóa tháng 3 ước đạt 8.123 nghìn tấn tăng 1,58% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 696.147 nghìn tấn.km, tăng 1,59% so với tháng trước và tăng 18,97% so với tháng cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2024 khối lượng vận chuyển ước đạt 24.048 nghìn tấn, tăng 13,51%; khối lượng luân chuyển đạt 2.060.363 nghìn tấn.km, tăng 14,56% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hàng hoá tháng 3 ước đạt 1.859,78 tỷ đồng, tăng 1,92% so tháng trước. Ước quý I đạt 5.496,35 tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ.

- Dự ước doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải quý I ước đạt 2.818,48 tỷ đồng, tăng 13,83% so cùng kỳ.

- Bưu chính, Viễn thông: Dự ước doanh thu bưu chính, viễn thông quý I năm 2024 đạt 2.309,051 tỷ đồng, tăng 2,39% so với quý IV năm 2023 và tăng 6,31% so với quý cùng kỳ.

Số thuê bao điện thoại cố định phát triển mới quý I ước đạt 247.495 thuê bao tăng 2,93% so quý trước và tăng 3,22% so với quý cùng kỳ. Trong đó: Số thuê cố định ước đạt 285 thuê bao giảm 1,72% so quý trước và giảm 12,04% so với quý cùng kỳ; Số thuê bao di động đạt 247.210 thuê bao tăng 2,94% so quý trước và tăng 3,24% so với quý cùng kỳ.

Thuê bao Internet phát triển mới quý I năm 2024 ước đạt 35.812 thuê bao tăng 2,17% so quý trước và tăng 1,64% so với quý cùng kỳ.

8. Hoạt động Ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/3/2024 đạt 323.500 tỷ đồng, tăng 0,82% so với đầu năm. Bao gồm: Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.810 tỷ đồng, tăng 6,24%; Tiền gửi ước đạt 320.690 tỷ đồng, tăng 0,77% (Trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 302.410 tỷ đồng, tăng 0,74%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 18.280 tỷ đồng, tăng 1,26% so với đầu năm).

Lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; mức 2,5-3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; mức 5,7-6,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; mức 6,8-7,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và mức 7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Hoạt động tín dụng: Dự ước đến 31/3/2024 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 370.730 tỷ đồng, tăng 1,98% so với đầu năm (nợ xấu ước chiếm 1,41% trên tổng dư nợ cho vay). Bao gồm: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 1.530 tỷ đồng, giảm 7,22%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 369.200 tỷ đồng, tăng 2,02% so đầu năm (Trong đó: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 226.400 tỷ đồng, tăng 3,15%; Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 142.800 tỷ đồng, tăng 0,27%).

Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,8-10,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,3 - 5,2%/năm đối với ngắn hạn; mức 6,6 - 7,4%/năm đối với trung và dài hạn.

II. VĂN HÓA – XÃ HỘI

- Văn hóa, thể thao: Trong quý I/2024, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, các sự kiện chính trị, vấn đề nổi bật của đất nước và của tỉnh; Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân.

- Y tế: Trong tháng tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, ngành y tế vẫn thường xuyên chỉ đạo, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh xảy ra không để chủ quan, bị động.

+ Sốt xuất huyết: ghi nhận 107 ca mắc, giảm 152 ca (-58,69%) so với tháng trước và giảm 254 ca (-70,36%) so với tháng cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Tay chân miệng: ghi nhận 69 ca mắc, giảm 102 ca (-59,65%) so với tháng trước và giảm 7 ca (-9,21%) so với tháng cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Uốn ván: trong tháng ghi nhận 01 ca mắc, tăng 01 ca so với cùng kỳ. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, sốt rét, tả, thương hàng, cúm.... trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

+ Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 3/2024 đã thực hiện 1.239 lượt kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm/11.785 tổng số cơ sở, trong đó: 1.215 cơ sở đạt (chiếm 98,06%), số cơ sở vi phạm là 24, nhắc nhở 22 cơ sở, ban hành 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở với số tiền 25 triệu đồng; trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm; cộng dồn từ đầu năm đến nay xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 15 ca mắc, không có ca tử vong.

- Giáo dục: Hoàn thành tổ chức Lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, năm 2024; tổng hợp kết quả các môn thi đấu: Tổng số vận động viên tham gia là 5.854 trong đó bậc THPT: 3.511, bậc THCS và TH: 2.343; Tổng số môn thi đấu: 16 môn; Thời gian thi đấu diễn ra từ ngày 28/2 đến ngày 19/3/2024.

Kiểm tra thẩm định trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo đề nghị của các đơn vị. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bậc học mầm non năm học 2023-2024 vòng thi biện pháp với 235 giáo viên tham dự.

- Giải quyết việc làm và đào tạo nghề:

Trong quý I/2024, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 22.511 lượt người, đạt 28,14% kế hoạch năm, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý I/2024, các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 14.761 học viên, đạt 22,71% kế hoạch năm, tăng 0,45% so với cùng kỳ. Có 12.943 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, đạt 21,56% so với kế hoạch năm, tăng 0,43% so với cùng kỳ năm 2023.

Đã tiếp nhận 8.304 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, giảm 22,65% so với cùng kỳ, đã ban hành 8.351 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp 8.456 lượt người, hỗ trợ học nghề cho 233 người, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước.

CỤC THỐNG KÊ ĐỒNG NAI

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỤC THỐNG KÊ TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: Đường Đồng khởi, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: (0251)3.822.419; Fax: (0251)3.819.047
Email: ctk@dongnai.gov.vn
Ghi rõ nguồn "thongke.dongnai.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này​



Chung nhan Tin Nhiem Mang